Vấn đề "quấy rối tình dục" không phải là mới. Từ lâu chúng ta đã nghe, đọc về những vụ quấy rối tình dục trên báo chí, mà nạn nhân thường là trẻ em, phụ nữ, người yếu thế... Tuy nhiên, quấy rối tình dục tại nơi làm việc lại là một vấn đề "mới" trong lĩnh vực pháp luật lao động. Tại Bộ luật lao động 2019 đã lần đầu tiên xác định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi vi phạm kỷ luật lao động mà người vi phạm có thể bị kỷ luật sa thải. Vậy quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?
<< Thông thường, người có hành vi quấy rối tình dục thường là cấp trên, người quản lý của nạn nhân. Khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nạn nhân cần mạnh mẽ lên tiếng, tố giác (ảnh minh họa)
Thế nào là "quấy rối tình dục tại nơi làm việc"?
Tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính Phủ, quy định/xác định như sau:
"Quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối".
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Thế nào là "Nơi làm việc"?
Theo quy định tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, "Nơi làm việc" (quy định tại Khoản 9 Điều 3 BLLĐ 2019) là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như:
- Các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn,
- Chuyến đi công tác chính thức,
- Bữa ăn,
- Hội thoại trên điện thoại,
- Các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử,
- Phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
......
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét