Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Hỏi về việc chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ có hành vi phạm tội bên ngoài


Hỏi: Thưa luật sư, công ty tôi vừa xảy ra trường hợp sau xin được luật sư tư vấn giúp: Anh A làm việc tại công ty được 2 năm, HĐLĐ có thời hạn 1 năm (ký lần 2) sẽ hết hạn vào tháng 10/2021. Mới đây từ việc vay nợ tiền bên ngoài (không liên quan gì đến công ty), anh A đã đến nhà người nợ tiền gây gổ đánh nhau. Anh A mang theo dao và đâm trọng thương gây tử vong một người. Hiện anh A đang bỏ trốn và có gọi điện về công ty, kể lại sự việc. Anh A nói sẽ ra tự thú và có thể sẽ bị công an bắt giam; do vậy anh A muốn báo để chấm dứt HĐLĐ với công ty. Anh A nói công ty cần hướng dẫn thủ tục gấp để anh làm và sẽ gửi lại cho công ty. Vậy chúng tôi muốn hỏi đây có phải là trường hợp chấm dứt HĐLĐ không ạ và công ty phải hướng dẫn anh A như thế nào để bảo đảm đúng pháp luật? Anh A cũng nói sẽ không thể trực tiếp về lại công ty lúc này. Xin chân thành cám ơn. (Trang Th.) 

<< Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần nêu rõ lý do, nhưng phải báo trước bằng văn bản cho NSDLĐ (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Theo thông tin của bạn, thì khả năng cao là anh A sẽ bị truy tố về tội giết người; và chắc chắn sẽ phải đi tù trong nhiều năm. Điều này đồng nghĩa là anh A sẽ không thể tiếp tục làm việc, thực hiện HĐLĐ (trong thời gian còn lại của hợp đồng). Như vậy, dù muốn hay không HĐLĐ giữa hai bên sẽ phải chấm dứt.

Theo quy định tại BLLĐ 2019, có nhiều trường hợp dẫn đến việc chấm dứt HĐLĐ; chẳng hạn như: hai bên cùng thoả thuận chấm dứt HĐLĐ, NLĐ đơn phương đề nghị chấm dứt HĐLĐ; hoặc "người lao động bị kết án tù" ...vv.

Do anh A đã tự đánh giá tình hình và chủ động đề nghị với công ty, lại trong bối cảnh anh A không thể trực tiếp đến công ty để ký giấy tờ thoả thuận chấm dứt HĐLĐ, nên theo tôi tốt nhất là công ty hướng dẫn anh A làm Đơn xin nghỉ việc. Nội dung đơn anh A đề nghị chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn và gửi cho công ty. Việc này là vận dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 BLLĐ 2019, quy định "NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ" và báo trước 3 ngày cho NSDLĐ. (xem điều luật bên dưới).

Để bảo đảm chặt chẽ, công ty cần lưu ý anh A ghi rõ đề nghị chấm dứt hợp đồng của mình là "hoàn toàn tự nguyện và không khiếu nại về sau".

Sau khi nhận Đơn của anh A, công ty sẽ ra Quyết định chấm dứt HĐLĐ và tiến hành thủ tục chấm dứt HĐLĐ theo quy định chung.

.....

* Quy định tại BLLĐ 2019:

Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.

12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.



Gửi câu hỏi đến email: ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (miễn phí). Nội dung và câu hỏi càng chi tiết, đầy đủ thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả. Các câu hỏi - đáp sẽ được mã hoá tên, địa chỉ (để bảo mật) và đăng trên website này cho mục đích phổ biến pháp luật, tham khảo. 

Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự Blog - địa chỉ tin cậy của mọi người


  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét