Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Trong Nội quy lao động phải quy định người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động

Ls. Trần Hồng Phong


Theo quy định tại BLLĐ 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) có một điểm mới quan trọng về việc xử lý kỷ luật lao động mà các doanh nghiệp (người sử dụng lao động) cần lưu ý: Đó là quy định trong Nội quy lao động của doanh nghiệp bắt buộc
phải có nội dung quy định về người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. (Cụ thể tại Điểm i, Khoản 2, Điều 118 BLLĐ 2019).


<< Ai là người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động phải được quy định rõ trong Nội qui lao động (ảnh minh hoạ)



Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động chính là người làm chủ toạ cuộc họp xử lý kỷ luật lao động và ký quyết định xử lý kỷ luật lao động.

Trước đây trong BLLĐ 2012 không quy định rõ về việc này, sau đó Chính phủ và Bộ LĐTBXH có ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn, theo hướng người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động là người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động. Tuy nhiên hướng dẫn khá rắc rối, trong khi đó trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp bị NLĐ kiện ra toà vì ban hành quyết định kỷ luật (sa thải) do người không có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ký.

Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn BLLĐ 2019 về điều kiện và quan hệ lao động; trong đó có nội dung về xử lý kỷ luật lao động. 

Tại Điểm i Khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về Nội quy lao động quy định cụ thể hơn như sau:

“Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động: người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động hoặc người được quy định cụ thể trong nội quy lao động”.

Trong khi đó, Khoản 3 Điều 18 BLLĐ 2019 (về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động) quy định như sau:

“3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động”.



Như vậy, từ những quy định như trên có thể tóm lược và lưu ý như sau:

1. Trong Nội quy lao động của công ty, từ nay phải có nội dung quy định về người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. Nếu chưa có thì NSDLĐ phải tiến hành thủ tục bổ sung vào Nội quy lao động hoặc ban hành Nội quy lao động mới. Điều này là tốt nhất.

2. Quy định về người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động trong Nội quy lao động cần rõ ràng, cụ thể và bao quát cho nhiều khả năng, tình huống có thể xảy ra. Chẳng hạn quy định người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động là Giám đốc công ty, nhưng có thể uỷ quyền cho Phó giám đốc hay Giám đốc Nhân sự; tại các Chi nhánh hay Văn phòng đại diện, thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động có thể là Giám đốc Chi nhánh hay Trưởng văn phòng đại diện.

3. Trường hợp doanh nghiệp chưa kịp bổ sung hoặc không có quy định trong Nội quy lao động, thì vận dụng theo quy định tại Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Tức người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động là “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật”.

...........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét