Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động & xử lý HĐLĐ vô hiệu

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Hợp đồng lao động vô hiệu là trường hợp nội dung của HĐLĐ trái pháp luật, hoặc người ký kết không đúng thẩm quyền hoặc công việc mà hai bên giao kết trong HĐLĐ là công việc bị pháp luật cấm. Vấn đề này được quy định tại Điều 50 BLLĐ (năm 2012). HĐLĐ vô hiệu không có giá trị pháp lý.

HĐLĐ có thể bị tuyên bố vô hiệu trong một số trường hợp, theo quy định tại Điều 50 BLLĐ 2012 (ảnh minh hoạ)


Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ có hai cơ quan có thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu là Thanh tra lao động (thuộc Sở LĐTBXH cấp tỉnh/thành phố) hoặc Toà án.

Thông thường, các tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến HĐLĐ, nếu các bên (NLĐ và NSDLĐ) không đạt được thoả thuận với nhau, sẽ có quyền khởi kiện ra toà án. Khi đó, Toà án có quyền xem xét và quyết định việc xác định một HĐLĐ có vô hiệu hay không. Quyết định của Toà thể hiện tại Bản án hoặc Quyết định.

Trong khi đó, nếu có trường hợp NLĐ gửi đơn khiếu nại tố cáo đến cơ quan Thanh tra lao động địa phương, hoặc qua quá trình thanh tra, Thanh tra lao động sẽ là nơi có thẩm quyền tuyên bố một HĐLĐ là vô hiệu hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý là đối với tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh Tra lao động, nếu một trong các bên không đồng ý, thì có quyền khởi kiện ra Toà án.

Ví dụ: Anh A và công ty B ký HĐLĐ. Trong HĐLĐ, đại diện cho công ty là ông C Trưởng phòng nhân sự. Anh A cho rằng ông C ký HĐLĐ là không đúng thẩm quyền. Nhưng công ty B thì cho rằng giám đốc đã uỷ quyền cho ông C ký HĐLĐ. Không đồng ý, anh A gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra lao động quận X, đề nghị xác định HĐLĐ của mình có giá trị pháp lý hay không. Thanh tra lao động quận X đã xem xét và tuyên bố HĐLĐ mà hai bên ký là "vô hiệu". Không đồng ý, công ty B đã khởi kiện quyết định của Thanh tra lao động ra Tòa án, vì cho rằng giám đốc công ty uỷ quyền cho Trưởng phòng nhân sự ký kết HĐLĐ là hoàn toàn đúng luật. 

Dưới đây là trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động và việc xử lý HĐLĐ vô hiệu, quy định tại Nghị định 44/2013/NĐ-CP ngày 10/6/2013 của Chính Phủ.

Ghi chú: Chúng tôi giữ nguyên điều luật để tiện việc tra cứu.

........


MỤC 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TUYÊN BỐ HĐLĐ VÔ HIỆU CỦA THANH TRA LAO ĐỘNG


Điều 8. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động

Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Ghi chú: Theo quy định tại Điều 51 BLLĐ 2012.

Điều 9. Trình tự, thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động

1. Trong quá trình thanh tra hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động, nếu phát hiện nội dung hợp đồng lao động vi phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 50 của Bộ luật lao động, Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên lao động độc lập hoặc người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành lập biên bản về trường hợp vi phạm và đề nghị người sử dụng lao động, người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động vi phạm.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản về trường hợp vi phạm, người sử dụng lao động và người lao động phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động vi phạm.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động vi phạm mà hai bên chưa sửa đổi, bổ sung thì Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên lao động độc lập hoặc người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành gửi biên bản kèm theo bản sao hợp đồng lao động vi phạm cho Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản về trường hợp vi phạm, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, ban hành quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

5. Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu phải gửi đến người sử dụng lao động và từng người lao động có liên quan trong hợp đồng lao động vô hiệu, tổ chức đại diện tập thể lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.



MỤC 2. XỬ LÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU

Điều 10. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần đến khi hai bên sửa đổi, bổ sung phần nội dung bị tuyên bố vô hiệu thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật về lao động.

Hợp đồng lao động vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên thỏa thuận lại theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận với tiền lương trong hợp đồng lao động vô hiệu theo thời gian thực tế làm việc của người lao động nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Điều 11. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính có trách nhiệm hướng dẫn các bên ký lại hợp đồng lao động.

2. Hợp đồng lao động có toàn bộ nội dung của hợp đồng trái pháp luật bị hủy bỏ khi có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ đến khi hai bên giao kết hợp đồng lao động mới thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp không giao kết được hợp đồng lao động mới thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất cứ mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 12. Khởi kiện hoặc khiếu nại đối với quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Trường hợp không đồng ý với quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì người sử dụng lao động hoặc người lao động tiến hành khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

.......

Bài liên quan:






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét