Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Trách nhiệm bảo đảm hoạt động của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp của NSDLĐ

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Chúng ta biết rằng Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của NLĐ tại doanh nghiệp. Tại mỗi doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn cơ sở được thành lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ này. Pháp luật quy định doanh nghiệp/NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở và hoạt động của cán bộ công đoàn.


Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập và hoạt động của tổ chức công đoàn tại cơ sở (ảnh minh hoạ)



I. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật lao động (2012)

- Luật công đoàn (2012)

- Các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật công đoàn (Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn).

- Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

II. Những nội dung bảo đảm hoạt động của Công đoàn thuộc trách nhiệm của NSDLĐ:

Dưới đây là những trách nhiệm cơ bản của NSDLĐ, trong điều kiện Công đoàn cơ sở đã được tổ chức, thành lập tại doanh nghiệp.

1. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.

Ví dụ: bố trí phòng làm việc, tiếp NLĐ riêng cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.  

b) Bảo đảm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian cho hoạt động công đoàn mà vẫn trả lương bình thường. Cụ thể như sau:

- 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở;

- 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn.

Ngoài ra, tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.

d) Bảo đảm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc và được hưởng lương do đơn vị sử dụng lao động chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập.

(Ghi chú: chi phí đi lại, ăn ở và sinh hoạt trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do cấp công đoàn triệu tập chi trả).

e) Cán bộ công đoàn không chuyên trách do đơn vị sử dụng lao động trả lương, được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

f). Cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương, được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

2. Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ công đoàn làm việc tại doanh nghiệp:

a) Phải gia hạn HĐLĐ nếu NLĐ là cán bộ công đoàn đang còn trong nhiệm kỳ:

Tại Luật công đoàn (2012) quy định như sau: Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ.

Ví dụ: Chị A vào làm việc tại công ty B, hai bên ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm (từ 1/1/2018 đến hết 31/12/2018). Tháng 6/2018, Đại hội công đoàn cơ sở công ty B bầu chị A vào Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, giữ chức Phó chủ tịch Ban chấp hành - nhiệm kỳ: 2018-2022 (5 năm). Như vậy, khi đến thời hạn hết hạn hợp đồng (ngày 31/12/2018), do chị A đang là cán bộ công đoàn, nên công ty B không được tự ý chấm dứt HĐLĐ đối với chị A, mà phải gia hạn HĐLĐ cho đến hết nhiệm kỳ công đoàn.

b) Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Lưu ý: Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ví dụ: Chị A là cán bộ công đoàn cơ sở, có hành vi trộm cắp tài sản và bị công ty đưa ra xử lý kỷ luật lao động. Dự kiến áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Trong trường hộp này, trước khi tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định kỷ luật, phía NSDLĐ cần phải họp, cung cấp thông tin và thống nhất (bằng văn bản) với Ban chấp hành công đoàn cơ sở về hình thức kỷ luật sa thải đối với chị A. Nếu hai bên không thống nhất được, thì phía NSDLĐ vẫn có quyền sa thải, nhưng phải thông qua thủ tục "báo cáo" và phải chờ sau 30 ngày mới được ban hành quyết định kỷ luật (và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình). 

Lưu ý: Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp khi NLĐ là cán bộ công đoàn bị sa thải:

Theo Điều 25 Luật công đoàn (2012): Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn đại diện khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn; đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Bảo đảm việc thu, đóng đoàn phí, tài chính công đoàn

Theo quy định tại Luật công đoàn, tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Như vậy, chúng ta thấy NSDLĐ và NLĐ đều có trách nhiệm đóng phí công đoàn. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bảo đảm việc thu, đóng đoàn phí, tài chính công đoàn theo quy định.

Lưu ý: Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại doanh nghiệp:

Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở, phía NSDLĐ không có quyền can thiệp vào.

Về nguyên tắc, tài chính công đoàn được sử dụng cho những mục đích, nội dung sau:

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

- Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

- Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động; tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;

- Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;

- Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;

- Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;




...................

Văn bản tham khảo:

* Quy định tại Luật công đoàn (2012):

Điều 23. Bảo đảm về tổ chức, cán bộ

1. Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ, công chức để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền.

3. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng công đoàn cơ sở và số lượng lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ công đoàn quyết định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách.

Điều 24. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.

2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.

3. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc và được hưởng lương do đơn vị sử dụng lao động chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập; chi phí đi lại, ăn ở và sinh hoạt trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do cấp công đoàn triệu tập chi trả.

4. Cán bộ công đoàn không chuyên trách do đơn vị sử dụng lao động trả lương, được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

5. Cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương, được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Điều 25. Bảo đảm cho cán bộ công đoàn

1. Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ.

2. Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn đại diện khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn; đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 26. Tài chính công đoàn

Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Điều 27. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn

1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;

d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;

e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;

g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;

h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;

i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;

k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;

l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;

m) Các nhiệm vụ chi khác.

Điều 28. Tài sản công đoàn

Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét