Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Có đến 39% công nhân phải sống trong tằn tiện, kham khổ

CLBGĐNS: Một bức tranh ảm đạm, đáng buồn về thị trường lao động và NLĐ Việt Nam. Nếu đến tuổi về hưu mà NLĐ không tích lũy được một số tiền nho nhỏ một vài trăm triệu, chưa có một mái nhà, thì làm sao có thể thảnh thơi và thế hệ con cháu xem như không có của hồi môn! 

Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam công bố ngày 12/7/2018, cho thấy có đến 26,5% công nhân phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã công bố khảo sát thực tế về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu, đời sống của người lao động (NLĐ) và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng trong các doanh nghiệp (DN) năm 2018.

<< Cày nhiều lương chẳng bao nhiêu (ảnh minh họa)


Đây là kết quả khảo sát thực tế do Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp với Ban Quan hệ Lao động thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành Trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình DN và vùng lương gồm: Hà Nội; Hải Phòng; Bắc Ninh; Vĩnh Phúc; Lạng Sơn; Tuyên Quang; Hà Nam; Ninh Bình; Hòa Bình; Nghệ An; Thanh Hóa; Đà Nẵng; Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam; Phú Yên: Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đồng Nai; Bình Dương; TP Hồ Chí Minh; Cần Thơ; Đồng Tháp; Kiên Giang; CĐ ngành xây dựng; CĐ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Cuộc khảo sát tổ chức trao đổi thông tin, thu thập báo cáo, lấy ý kiến 3.008 phiếu hỏi đối với NLĐ tại 150 DN, trung bình mỗi DN 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của NLĐ.

Tổng thu nhập của NLĐ khoảng 5,53 triệu đồng/tháng

Tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, trong đó NLĐ làm việc trong lĩnh vực xây dựng, giao thông có tiền lương cơ bản hằng tháng cao nhất với bình quân là 4,949 triệu đồng; thấp nhất là lao động dệt may với 4,225 triệu đồng.

Theo thống kê từ các DN khảo sát, tiền lương cơ bản trung bình của NLĐ sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng (vùng I là 4,76 triệu; vùng II là 4,57 triệu đồng; vùng III là 4,14 triệu đồng; vùng IV là 3,32 triệu đồng); lao động gián tiếp, văn phòng là 6,52 triệu đồng/tháng; cán bộ quản lý người Việt Nam là 9,5 triệu đồng. Lao động và quản lý người nước ngoài là 30,3 triệu đồng/tháng.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn LTT 39,8%. Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng.

Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).

Như vậy, cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ.

Mỗi gia đình NLĐ chi tiêu thấp nhất là 6,57 triệu đồng/tháng


Về mức chi tiêu và chi tiêu tối thiểu của gia đình NLĐ, kết quả khảo sát cho biết qua số liệu xử lý phiếu khảo sát năm 2018, có 2.885 NLĐ đang sống chung hộ gia đình với người thân, với số lượng, cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương, cho thấy mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng.

Với các hộ gia đình các vùng lương có số nhân khẩu tương ứng ở trên thì mức chi tiêu thấp nhất (tối thiểu) là 6,57 triệu đồng/tháng. Cụ thể ở vùng I là 7,38 triệu đồng; vùng II là 6,76 triệu đồng; vùng III là 5,8 triệu đồng; vùng IV là 5,75 triệu đồng.

Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ, Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, kết quả cho thấy: 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

So với năm 2017, tỉ lệ NLĐ cho biết thu nhập so với chi tiêu "có dư dật, tích lũy" tăng 1,3%; số NLĐ gặp khó khăn "không đủ sống, phải làm thêm giờ" chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỉ lệ NLĐ "vừa đủ trang trải cho cuộc sống" giảm 7,6%; tỉ lệ NLĐ phải chi tiêu "tằn tiện, kham khổ" tăng lên 5,8%. Nhưng nhìn chung, đa số NLĐ cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết theo báo cáo của Công đoàn KCN và KCX TP HCM năm 2018, khi khảo sát 11 DN FDI tại KCN Linh Trung I, nơi có đông công nhân thuộc các lĩnh vực giày da, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí, với quy mô 37.600 lao động, mức lương cơ bản trung bình là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng. Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh 1 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300.000 đồng/tháng, nhưng có tới 9,1% có không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình 2 con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, NLĐ cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỉ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỉ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.

Đề xuất tăng lương tối thiểu 2019 là 8%

Căn cứ kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kế thừa tham khảo số liệu của bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia và các bên về xác định mức sống tối thiểu (các bên cơ bản thống nhất về phương pháp, song sử dụng bộ số liệu để tính toán còn khác nhau, nên kết quả khác nhau, gây nên nhiều tranh luận).

Căn cứ chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017, dự báo trong năm 2018 tăng ít nhất khoảng 4%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017, dự báo cả năm ít nhất tăng 6,7%, các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng khoảng 12 – 14%. Cho nên NLĐ phải được hưởng lợi từ tăng trưởng này.

Căn cứ phần thiếu hụt mức LTT vùng năm 2018 chưa được điều chỉnh để đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ, còn thiếu khoảng 7%. Nếu tính cho 2 năm 2019 và 2020 thì mỗi năm phải bù đắp 3,5%.

Từ tình hình chung, tiền lương, thu nhập của NLĐ được DN chi trả cao hơn so với mức LTT vùng, các khoản chi trả theo lương như bảo hiểm, kinh phí Công đoàn phát sinh không nhiều vì mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm còn thấp; thực trạng đời sống NLĐ còn gặp nhiều khó khăn; Chính phủ triển khai thực hiện nghị quyết, luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo nhiều cơ chế thuận lợi tạo điều kiện để DN phát triển...Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất phương án tăng LTT vùng năm 2019 là 8% để gửi tới Hội đồng Tiền lương quốc gia làm cơ sở thương lượng trong các phiên họp.

Nguồn: VĂN DUẨN/báo NLĐ

..........

Tin tức

Năm 2018
  1. Vì sao năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực? (7/2018)
  2. Đến tháng 5/2018: Nợ đọng BHXH đang trên 10.000 tỉ đồng (5/2018)
  3. Giám sát, xử lý các doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn (4/2018)
  4. Mức lãi suất chậm nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN năm 2018 (từ 1/1/2018)
  5. Mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp quá thấp (2/2018)
  6. Khám bệnh BHYT cần lưu ý gì? (2/2018)
  7. Nhiều lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (2/2018)
  8. 8.000 doanh nghiệp “mất tích”, nợ BHXH gần 2.000 tỉ đồng (1/2018)
  9. Đề xuất tự chủ thang bảng lương trong doanh nghiệp (1/2018)
  10. NLĐ biết quyền lợi của mình từ các thông tin ghi trên Thẻ bảo hiểm y tế (1/2018)
  11. Nhiều doanh nghiệp "găm" sổ BHXH của người lao động (1/2018)
  12. 6 quy định mới trong pháp luật lao động từ 1/1/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét