Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Lợi ích khi tuyển dụng lại 'người cũ'

Thật sự thì hiện tượng nhân viên quay lại công ty cũ đang trở nên bình thường và phổ biến hơn bao giờ hết. Chuyện người xưa trở về nhà cũ không phải là mới. Steve Jobs từng trở lại Apple. Không ít ngôi sao thể thao quay về và thăng hoa cùng câu lạc bộ cũ. Dù vậy, trong quá khứ, chính sách của các công ty không mặn mà với việc tuyển lại nhân viên cũ. Nhưng xu thế đang thay đổi trên thị trường lao động và các công ty hiện sẵn sàng chào đón người cũ quay lại hơn trước kia.

Người cũ quay lại cần được nhìn nhận theo hướng tích cực. Nhiều doanh nghiệp có Chính sách riêng về vấn đề này, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi ưu tiên tiếp nhận người cũ (ảnh minh hoạ)


Ngày nay, chuyện nhân viên đổi việc xảy ra thường xuyên hơn và sự ra đi của một ai đó dường như không hẳn là sự phản bội mà là một lựa chọn thông minh để tìm kiếm trải nghiệm mới. Người trẻ hiện nay có thể nghỉ việc để khởi nghiệp, trải nghiệm lĩnh vực mới hoặc đi học lên cao. Nhưng không phải cánh đồng mới nào cũng xanh hơn.

Và khi họ muốn quay lại thì các công ty cũng có những lý do để chào đón họ.

Tiết kiệm tiền và thời gian, "người mới" nhập cuộc nhanh hơn

Một cựu nhân viên chỉ cần được cập nhật về những thay đổi ở công ty là có thể bắt nhịp và nhập cuộc. Trong trường hợp cần được đào tạo thêm thì "quá trình nhập môn" của họ sẽ đỡ mất thời gian và ít tốn kém hơn so với huấn luyện một nhân viên hoàn toàn mới. Họ có thể sớm tạo ra kết quả trong công việc và công ty sẽ giảm được "khoảng thời gian chờ" đối với một nhân viên mới.

Trong thị trường lao động cạnh tranh cao như hiện nay, việc tuyển dụng các ứng viên chất lượng cao đòi hỏi chi phí và tiêu tốn nhiều thời gian. Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư chi phí đáng kể cho các đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp. Khi đưa một người cũ trở về, doanh nghiệp có thể bỏ qua quá trình tìm kiếm tốn kém này.

Loại bỏ "yếu tố ngạc nhiên"

Quá trình tuyển dụng và thuê nhân sự cũng thường là một "canh bạc" vì doanh nghiệp đang dựa vào ấn tượng từ những cuộc gặp nhanh chóng và năng lực mà ứng viên vẽ ra trong hồ sơ của họ. Nếu người tìm việc có được vài lời giới thiệu tốt thì việc tuyển dụng họ thường đến từ một quyết định bằng trực giác. Với người cũ, doanh nghiệp không cần phải phỏng đoán về họ và chờ xem liệu họ có phù hợp với văn hóa công ty hay không. Dễ dàng "tái hòa nhập" với văn hóa công ty.


Những ngóc ngách trong văn hóa công ty thường là trở ngại lớn nhất cho một nhân viên mới. Ngay cả khi người này có những kỹ năng và nền tảng phù hợp với công việc, nhưng nếu thiếu hòa hợp với văn hóa của nơi làm việc thì vẫn có thể gặp rắc rối và thất bại về sau. Nhưng nếu thuê lại nhân viên cũ, người trở lại đã biết rõ họ có thể mong đợi những gì từ tổ chức này và cả hai phía đều không phải lo lắng về sự va chạm văn hóa.

Bổ sung những kỹ năng mới cho công ty

Nhân viên quay lại có thể mang theo nhiều thứ, từ những kỹ năng mới trong ngành cho đến mạng lưới quan hệ đã được mở rộng hơn của họ.

Nâng cao tinh thần

Nếu doanh nghiệp tuyển dụng lại một nhân viên cũ từng được yêu mến và kính trọng trong thời gian trước khi rời khỏi công ty, điều đó có thể giúp nâng cao tinh thần làm việc. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, dù hầu hết nhân viên đều vui vẻ đón chào sự trở lại của một đồng nghiệp cũ, nhưng người mới mà cũ này giờ đây có thể sẽ nắm giữ vị trí quản lý những người từng là đồng cấp với họ. Và điều này có thể sẽ gây xáo động với một vài người.

Củng cố lòng trung thành đối với công ty

Sự thiếu gắn kết và chủ động của nhân viên đối với vị trí hiện tại có thể dẫn đến tình trạng sụt giảm năng suất và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thủ phạm là do tinh thần thấp và thiếu sự trung thành đối với công ty. Việc thuê lại nhân viên cũ có thể giúp nâng cao lòng trung thành của mọi người đối với công ty, đặc biệt là khi "bắt" trở lại một nhân viên "ngôi sao".

Không phải tất cả nhân viên cũ đều là sự chọn lựa tốt để tuyển lại. Nhưng với một số người, đặc biệt là những người từng ra đi để theo đuổi những mục tiêu nghề nghiệp khác – mở công ty riêng hoặc để học cao hơn, hay do một sự thay đổi về hoàn cảnh gia đình, thì việc tuyển dụng lại nên là cơ hội để ngỏ. Vậy thì, lần tới, khi doanh nghiệp cần tìm một vị trí mới, đừng loại trừ khả năng tìm lại và đón chào người cũ.

Sưu tầm

.....

QUẢN TRỊ NHÂN SỰ
  1. Minh bạch lương liệu sẽ là động lực cho người đi làm?
  2. Giới tính có phải là yếu tố ảnh hưởng lương thưởng?
  3. Cách nào để có nhân sự giỏi?
  4. Quan hệ giữa sếp trẻ và nhân viên lớn tuổi
  5. 5 cách giữ mối quan hệ hài hòa với nhân viên
  6. 5 dấu hiệu của một nơi làm việc tồi
  7. 3 dấu hiệu cho thấy nhân viên sắp nhảy việc
  8. Bạn trẻ khó tìm việc vì hình xăm
  9. Bạc bẽo với công nhân
  10. Samsung lên tiếng về thông tin đối xử tệ với công nhân Việt Nam
  11. Cùng nghe nhân viên Facebook "nổ tung trời" về công ty trong mơ của mình
  12. 12 lý do khiến nhân viên Apple "yêu" công ty
  13. 25 cách làm tăng sự trung thành của nhân viên
  14. 10 lời khuyên về cách ứng xử nơi công sở
  15. Bí quyết thiết lập mối quan hệ trong công việc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét