Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Quyền lợi, chế độ của người lao động trong thời gian thử việc

Ls. Trần Hồng Phong

Theo quy định tại BLLĐ (2012), trong quá trình tuyển dụng, trước khi ký HĐLĐ, các bên có quyền thoả thuận về việc làm thử (thử việc). Ngoài những thoả thuận trực tiếp giữa hai bên, pháp luật quy định như thế nào về quyền lợi, nghĩa vụ của Người lao động trong thời gian thử việc?

Lao động thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả thêm vào tiền lương một khoản tương đương (ảnh minh họa)






..........


1. Người thử việc không có chế độ BHXH, BHYT

Trong thời gian thử việc, NSDLĐ có phải đóng Bảo hiểm xã hội, BHYT và BHTN cho người thử việc không? Đây là câu hỏi mà có lẽ rất nhiều người quan tâm. 

Chúng tôi khẳng định ngay từ đầu là KHÔNG. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nắm rõ những quy định liên quan về vấn đề này.

Trước hết, về tiền lương trong thời gian thử việc, tại Điều 28 Bộ luật lao động (2012) quy định: "Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó".

Về việc đóng BHXH, theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội, và được hướng dẫn thực hiện tại các điều 4, điều 13, điều 17 Quyết định 595/QĐ­BHXH (có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017) quy định đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN gồm:

- Người làm việc theo HĐLĐ (hoặc hợp đồng làm việc) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

- Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018);

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Như vậy: người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Và Người sử dụng lao động không làm thủ tục đăng ký BHXH cho lao động thử việc.

Ngoài ra, Điều 26, Điều 27 Bộ luật Lao động (2012) quy định: "Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Hợp đồng thử việc phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này" - thể hiện hợp đồng thử việc không bao gồm nội dung về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Điều này gián tiếp cho thấy lao động thử việc không có chế độ BHXH.

Tuy nhiên, cần lưu ý thêm:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động (2012):

"3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp".

Quy định trên, có thể hiểu (theo hướng có lợi cho người thử việc - xem như là "người lao động") là:

Mặc dù không phải là đối tượng được tham gia BHXH, nhưng Công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho người thử việc/Người lao động một khoản tiền tương đương với tỷ lệ mức đóng BHXH bắt buộc thuộc phần trách nhiệm của công ty là 22%. (Cụ thể bao gồm: BHXH 18%, BHYT 3%, BHTN 1%).

2. Người thử việc được hưởng chế độ giờ làm việc, nghỉ ngơi, nghỉ lễ ... theo quy định chung tại Bộ luật lao động và Nội quy lao động của doanh nghiệp:

Người thử việc khi vào làm việc/thử việc tại doanh nghiệp thực chất cũng là một dạng làm việc (việc làm), làm cùng với những người lao động khác. Như vậy, xét về mặt nguyên tắc, người thử việc cũng phải tuân thủ và được hưởng các quyền lợi luật định về việc làm. Cụ thể là thời giờ làm việc, nghỉ ngơi ...vv - giống như những người lao động khác.

Do vậy, Người thử việc được hưởng chế độ về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, nghỉ lễ theo quy định chung tại Bộ luật lao động và Nội quy lao động của doanh nghiệp.

Riêng về chế độ nghỉ phép thì có thể linh hoạt, thỏa thuận với nhau. Và ngày nghỉ phép (nếu có) có thể thỏa thuận tính hoặc không tính vào thời gian thử việc.

..........

Bài liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét