Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Miền Trung: Thừa lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao

Báo Lao Động

Đại dịch COVID-19 khiến thị trường lao động lộ ra nhiều điểm yếu khi mà trước đó sự “dễ dãi” nới lỏng các tiêu chí về kỹ năng, trình độ... để tuyển cho đủ người làm việc trong thời kỳ du lịch nở rộ đang khiến cho nhiều lao động tại miền Trung khó tìm được việc làm, nhà tuyển dụng khó tìm được người.

<< Lao động phổ thông là nghề có nhiều người làm nhất trong xã hội. Công việc lao động phổ thông thường liên quan đến chân tay, thể lực, vận hành máy móc… (ảnh minh hoạ)







Lao động thất nghiệp tăng đột biến

Tại Đà Nẵng, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm, trong năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người thất nghiệp tăng đột biến và số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là gần 30.000 người, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Có những thời điểm như từ đầu tháng 3.2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp với 3.454 hồ sơ, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, tháng 4.2020 là thời điểm có số người nộp hồ sơ nhiều nhất với 5.271 người, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2019.

Được biết, trong năm 2020, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.Đà Nẵng đã tư vấn cho 112.385 lượt người. Đáng nói là ở các tỉnh miền hiện đang có tình trạng khủng hoảng thừa khi số lượng lao động ở ngành du lịch và dịch vụ bị thất nghiệp rất lớn, nhưng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp lại tuyển mãi không ra lao độngnhóm đối tượng lao động.

Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Khánh Hòa cho biết, năm 2020 con số lao động thất nghiệp ở khu chính thức qua hưởng trợ cấp thất nghiệp là 24.000 người. Con số lao động thất nghiệp phi chính thức thì chưa có thể thống kê.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa từ đầu năm đến nay trung tâm tư vấn việc làm cho 2.473 người, giới thiệu việc làm cho gần 1.500 lao động. Trong đó, đa số lao động được giới thiệc việc làm là đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp, số còn lại qua kênh sàn tuyển dụng và tư vấn trực tiếp. Tuy nhiên số lao động có việc làm sau khi giới thiệu chỉ được 469 người. Đây là điều khá bất cập.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Đà Nẵng khi trong phiên giao dịch việc làm đầu tiên của năm sau Tết Nguyên đán. Dù tổ chức cùng lúc ở 3 địa điểm là Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Đà Nẵng, Văn phòng Cẩm Lệ và Văn phòng Hải Châu và có đến 90 doanh nghiệp tuyển dụng gần 3.000 vị trí, trong đó 32 doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp, 58 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng, nhưng số lao động đến tham gia phỏng vấn xin việc chỉ lác đác vài chục người.

Khó vì lương thấp, yêu cầu cao

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (phường Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) từng là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc cho biết: “Trước chỉ cần biết tiếng là các cửa hàng tuyển vào, lương thấp nhất cũng 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù không có hợp động lao động nhưng lương cộng với hoa hồng mỗi người cũng có thu nhập từ 9-10 triệu/tháng, thời gian làm chỉ có 5-6 giờ/ngày. Sau dịch COVID-19 nơi nào cũng lương thấp, yêu cầu khắt khe nên không tìm được việc”.

Việc sau dịch COVID nên các doanh nghiệp trả lương thấp, trong khi lại yêu cầu khắt khe là tình trạng chung ở miền Trung khiến cho số đông lao động, đặc biệt là lao động đang bị thất nghiệp trong ngành du lich, dịch vụ khó tìm được việc làm.

Chính nhu cầu lao động tăng từ sự phát triển nóng của du lịch đã kéo theo thị trường lao động tại Khánh Hòa và Đà Nẵng, Quảng Nam... những năm trước đây cầu vượt cung. Tại Khánh Hòa, thời điểm đó rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng tại Khu công nghiệp phải tìm đến các huyện địa bàn miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh để tuyển dụng lao động đồng bào vì tìm không ra. Không cần bằng cấp, không cần tay nghề cũng sẽ được tuyển dụng vào đào tạo dần. Thời điểm đó lao động phổ thông được tuyển ồ ạt và dễ dãi. Cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát, lao động cắt giảm thì sự dễ dãi đó khiến người lao động không dễ tìm được việc làm thích hợp, doanh nghiệp tuyển lao động thực sự đòi hỏi chuyên môn thì cũng không tìm ra.

Tuy nhiên, có một thực tế doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông thì có nhiều sự lựa chọn nhưng lao động trước còn tâm lý so sánh, chờ đợi việc nên cũng chưa muốn đi làm. Còn tại các dự án, nhất là các dự án có nhà thầu nước ngoài thì tuyển dụng lao động trình độ đáp ứng việc làm được thì khó tuyển, thậm chí không tuyển được.

“Doanh nghiệp tuyển không được những vị trí việc làm đòi hỏi chuyên môn cao. Vấn đề kỹ thuật và ngoại ngữ là 2 rào cản khiến nhiều lao động chưa đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng”- ông Tri nói.

TƯỜNG MINH - THANH THÚY

.......

Tin tức

Năm 2021

Việt Nam:



Quốc tế:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét