Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn

Sau gần mười năm thực hiện, tính đến giữa năm 2017, chính sách BHXH tự nguyện đã thu hút 243.000 người tham gia, một con số quá thấp so với thực tế. Con số này được bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam, đánh giá là quá thấp so với thực tế và kỳ vọng của Nhà nước sau gần mười năm triển khai dịch vụ. Trong số này, có hơn 60% lao động đã tham gia BHXH bắt buộc và cộng nối để hưởng hưu trí. 40% lao động tự nguyện tham gia, một tỷ lệ thực sự chưa cao.

BHXH tự nguyện hiện chủ yếu dành cho đối tượng lao động làm nghề tự do, không ổn định (ảnh minh hoạ)



Người lao động thiếu thông tin

Nhận định về tình trạng này, bà Lan đưa ra nguyên nhân là người lao động (NLĐ) thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động phi chính thức, làm công việc tự do, bấp bênh, không ổn định. Đồng thời với khó khăn của NLĐ, nhận thức hiểu biết về chính sách của họ còn hạn chế, thiếu thông tin.

Trong một khảo sát về lao động phi chính thức tại Hà Nội, Nghệ An kết quả cho thấy, 70,6% lao động phi chính thức chỉ mới biết đến tên chính sách lao động việc làm. Đối với chính sách BHXH bắt buộc, chỉ 37,4% mới nghe tên chính sách, 45,5% đã biết sơ qua về các chế độ. Đối với bảo hiểm y tế (BHYT), 60,2% biết sơ qua về chế độ, 19,7% biết rõ về thủ tục, đối tượng, mức đóng hưởng. Đáng chú ý, khảo sát cũng chỉ ra rằng, lao động phi chính thức biết về BHXH tự nguyện qua chính quyền (32,3%), qua bạn bè, người thân, người quen chiếm 18,3%. Nguồn thông tin đến từ cơ quan BHXH chỉ chiếm 8,1%.

Bên cạnh đó, quá trình tiến hành nghiên cứu, khảo sát cho thấy, hiểu biết và tiếp cận thông tin về BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức rất hạn chế. "Có tới 41,1% chưa bao giờ nghe nói, 20,6% mới biết tên chính sách, 25% biết sơ qua. Chỉ có 13,2 % biết rõ thủ tục, đối tượng, mức đóng và mức hưởng", bà Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số, lao động, việc làm, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho hay.

Thực tế cho thấy, từ năm 2014, chính sách BHXH đã mở rộng đến tất cả mọi người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, phương thức và mức đóng theo quy định mới của Luật BHXH đa dạng, tạo thuận lợi cho NLĐ. NLĐ có thể lựa chọn mức đóng linh hoạt, trong đó 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn. Mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Phương thức đóng cũng được quy định linh hoạt, ba/sáu/12 tháng, một lần cho nhiều năm về sau, một lần cho những năm còn thiếu. Tuy nhiên, số người tham BHXH tự nguyện vẫn chỉ là con số khiêm tốn. Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Hà, Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), lý giải là do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, chỉ có hai chế độ hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó là sự khác biệt về chế độ thụ hưởng. Người dân so sánh, khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng năm chế độ ngắn hạn, còn BHXH tự nguyện chỉ hưởng hai chế độ. Trong thực tế, nhiều khi, chế độ ngắn hạn có thể hỗ trợ tốt hơn lao động vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống.

Một thời gian dài, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ của người dân tham gia BHXH, các dịch vụ chưa thật sự thuận lợi đối với người dân. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ của BHXH mới chỉ đạt hơn 24%. Do đó, mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn là một thách thức. Từ ngày 1-1-2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% với người thuộc diện nghèo; bằng 25% đối với người thuộc diện cận nghèo, bằng 10% đối với các đối tượng còn lại.

Một vấn đề đáng băn khoăn là, mỗi năm có khoảng 600 đến 700.000 NLĐ nhận BHXH một lần, trong khi số lao động tham gia BHXH tăng không cao. Dù chưa hết tuổi lao động, khi ngừng việc, đa phần NLĐ không muốn kéo dài quá trình tham gia BHXH mà lựa chọn hưởng BHXH một lần. Con số tái tục tham gia không nhiều. Đây là điều đáng tiếc cho nhóm lao động này vì họ không được bảo đảm chế độ an sinh xã hội khi về già.

Phải điều chỉnh chính sách thụ hưởng

Về nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, kết quả báo cáo của ILLSA cho biết, có tới 35,2% lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện mong muốn tham gia. Đặc biệt, 8,5% lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành BHXH.

Cụ thể, 80% mong muốn giảm thời gian định, 55% mong muốn thông tin tư vấn rõ ràng, cụ thể và đổi mới thủ tục đóng hưởng thuận lợi, linh hoạt như bảo hiểm thương mại... Tuy nhiên, theo, bà Trịnh Thu Nga, có tới 56,4% trả lời sẽ không tham gia BHXH tự nguyện kể cả có thay đổi về chính sách và tổ chức thực hiện. Tỷ lệ nam giới không muốn tham gia BHXH tự nguyện cao hơn nữ giới. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật không muốn tham gia BHXH tự nguyện rất cao, 62%; trình độ sơ cấp là 67%, đại học 22%.


Do đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách BHXH tự nguyện, để chính sách này ngày càng đến gần với lực lượng lao động phi chính thức - nhóm lao động chịu nhiều yếu thế và tổn thương trong xã hội.

Bà Nga cũng đưa ra một số khuyến nghị cụ thể. Đó là cần nghiên cứu bổ sung các chế độ của BHXH tự nguyện đầy đủ như BHXH bắt buộc là thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất hằng tháng. Ngoài ra, đề xuất giảm số năm đóng, có thể tối thiểu 15 năm, trong đó phân theo nhóm tuổi và theo nghề, bởi một số nghề nặng nhọc, độc hại có thể xem xét số năm đóng ít hơn. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung quy định lao động bị giảm khả năng lao động được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động với điều kiện cụ thể.

Bà Nga cũng mong muốn bỏ tên gọi BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, vì điều này dễ dẫn đến sự phân biệt giữa người tham gia. Đồng thời, ngành BHXH phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng dịch vụ thu BHXH tự nguyện qua bưu điện, ngân hàng.

Nguồn: PHƯƠNG CHI/ báo Nhân Dân ngày 8/10/2017
........

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Gồm 2 phần:
1. Các quy định
2. Thủ tục hành chính
........

1. CÁC QUY ĐỊNH 
  1. BHXH là gì? Các chế độ của BHXH
  2. Giới thiệu & Mục lục Luật BHXH (năm 2014)
  3. Các hành vi bị nghiêm cấm về BHXH
  4. Lưu ý: Doanh nghiệp gian lận hay trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 50 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự
  5. Quyền, trách nhiệm của Người lao động, Người sử dụng lao động trong lĩnh vực BHXH
  6. Trách nhiệm của Người sử dụng lao động khi Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  7. Quyền, trách nhiệm của Cơ quan BHXH (Nhà nước) & phân cấp quản lý
  8. Quy định về tham gia BHXH, BHYT & Tuổi nghỉ hưu
  9. Đối tượng đóng, mức đóng, tỷ lệ & phương thức đóng BHXH bắt buộc
  10. Mức đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 01/06/2017 (mới nhất)
  11. Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 - về thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT
  12. Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 - quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH
  13. Quy định về việc tính lãi chậm đóng, truy thu BHXH, BHYT, BHTN và thu BHXH tự nguyện (từ 1/1/2016)
  14. Hướng dẫn tra cứu thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT & BHTN (từ 6/2017)
  15. Thẩm quyền giải quyết hưởng các chế độ BHXH
  16. Các chế độ của Bảo hiểm xã hội
  17. Chế độ thai sản (BHXH bắt buộc)
  18. Chế độ ốm đau (BHXH bắt buộc)
  19. Chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHXH bắt buộc)
  20. Chế độ Hưu trí (BHXH bắt buộc)
  21. Chế độ tử tuất (BHXH bắt buộc)
  22. Quy định về mẫu Sổ bảo hiểm xã hội
  23. Quy định về mẫu Thẻ bảo hiểm y tế
  24. Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia và mức đóng BHXH tự nguyện

........

2. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
  1. Trình tự, thủ tục và hồ sơ tham gia Bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN
  2. Trình tự thủ tục & hồ sơ giải quyết các chế độ BHXH (tổng hợp, tất cả các chế độ)
  3. Quy trình chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh 
  4. Hướng dẫn tra cứu thông tin cá nhân tham gia BHXH, BHYT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét