Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Mục đích, ý nghĩa của phỏng vấn trong tuyển dụng nhân sự

Ls. Trần Hồng Phong

Trong quy trình tuyển dụng, có một khâu quan trọng là phỏng vấn ứng viên xin việc. Phỏng vấn là dịp để ứng viên và doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp "đối mặt" nhau. Ứng viên có cơ hội để "phô diễn" khả năng và đồng thời sẽ bộc lộ những hạn chế của mình; trong khi nhà tuyển dụng có cơ hội để đánh giá, so sánh với những ứng viên khác trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

<< Ứng viên (người quay lưng) đang trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Phía Nhà tuyển dụng gồm 3 người tham gia hỏi: chính giữa là Giám đốc công ty, hai bên là Trưởng phòng Nhân sự và Trưởng bộ phận (ảnh minh họa)


Phỏng vấn là gì? Mục đích của phỏng vấn

Phỏng vấn trong tuyển dụng nhân sự là một khâu không thể thiếu trong quá trình tuyển dụng nhân lực vào làm việc tại một doanh nghiệp. Đó là việc nhà tuyển dụng mời ứng viên đến gặp, đưa ra các câu hỏi và nghe ý kiến trả lời, cách trình bày của ứng viên.  (Ghi chú: đối với những chỗ làm việc kiểu quen biết, gửi gắm, con ông cháu cha ... thì thường không phỏng vấn, mà mời vào làm luôn!).

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đưa phỏng vấn vào Quy trình tuyển dụng của mình. 

Trên thực tế, quá trình tuyển dụng thường có 3 bước cơ bản để sàng lọc và đi đến quyết định tuyển dụng là:

Bước 1: Xem xét/đánh giá hồ sơ xin việc của ứng viên > chọn các ứng viên phù hợp.

Bước 2: Trắc nghiệm (kiểm tra kiến thức chuyên môn cơ bản).

Bước 3: Phỏng vấn.

Phỏng vấn chính là bước quan trọng nhất trong quy trình tuyển dụng. Thậm chí có thể nói phỏng vấn mang tính chất quyết định, để nhà tuyển dụng xác định có tuyển dụng hay không.

Mục đích và ý nghĩa của phỏng vấn là:

- Nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với ứng viên. Qua đó, bước đầu tiên là đánh giá về ngoại hình, giọng nói, phong cách nói năng, tiếp xúc ... có phù hợp với vị trí và tiêu chí tuyển dụng không?

- Đánh giá được về mặt kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc ...

- Dễ dàng đánh giá, so sánh giữa các ứng viên tiềm năng với nhau;

- Có thể hỏi, trao đổi về bất kỳ nội dung, vấn đề nào Nhà tuyển dụng quan tâm hoặc muốn biết từ ứng viên, liên quan đến tuyển dụng, việc làm... Chẳng hạn có thể biết ứng viên có kế hoạch gì trong cuộc đời, ý định làm việc trong thời gian tối thiểu bao lâu ...

- Có kết quả đánh giá nhanh chóng, chính xác.

Vì sao phỏng vấn nhiều vòng?

Thông thường, Nhà tuyển dụng sẽ tổ chức phỏng vấn nhiều vòng đối với một ứng viên. Ít nhất là khoảng 2 vòng và nhiều nhất là khoảng 3 - 4 vòng.

Nói chung, nếu vị trí tuyển dụng càng quan trọng (chức vụ cao, chức danh quản lý, ...), vị trí cần tuyển dụng càng ít, hoặc duy nhất - thì Nhà tuyển dụng sẽ phỏng vấn càng nhiều vòng. Mục đích là để tìm hiểu và đánh giá sâu, chính xác về ứng viên mà mình mong muốn tuyển dụng.

Vòng phỏng vấn đầu tiên thường là đại trà, áp dụng cho tất cả các ứng viên có hồ sơ phù hợp. Qua đó, sẽ so sánh đánh giá giữa nhiều ứng viên, chọn lọc ra những ứng viên tiềm năng và phù hợp nhất. Mỗi vị trị tuyển dụng thường sẽ có 2-3 ứng viên được mời phỏng vấn vòng sau cùng, để tuyển một người duy nhất.

Nhân sự tuyển dụng càng cao cấp, thì việc phỏng vấn càng kỹ, càng nhiều vòng. Để cũng là điều dễ hiểu.

Cần lưu ý là vòng phỏng vấn khác với số lần phỏng vấn. Trong một vòng mời ứng viên đến phỏng vấn, Nhà tuyển dụng có thể chia thành nhiều cuộc/nội dung phỏng vấn, do nhiều người phỏng vấn. Chẳng hạn: đầu tiên Bộ phận Nhân sự phỏng vấn, rồi qua Ban giám đốc phỏng vấn ngay sau đó. Hai cuộc phỏng vấn này được xác định là cùng trong một vòng phỏng vấn. 

Hoặc cũng có thể là phía Nhà tuyên dụng sẽ sắp xếp cùng một lúc nhiều người phỏng vấn một ứng viên trong một vòng phỏng vấn.

Nói chung thời gian cho mỗi vòng phỏng vấn cũng không quá lâu, không quá nhiều câu hỏi. Chẳng hạn:

- Phỏng vấn vòng 1: 15 phút - 5 câu hỏi.

- Phỏng vấn vòng 2: 30 phút - 10 câu hỏi.

- Phỏng vấn vòng 3: 45 phút - 10 câu hỏi.

Các câu hỏi phỏng vấn thực ra không nhằm mục đích làm khó hay kiểm tra kiến thức chuyên sâu của ứng viên. Vì điều này không cần thiết và cũng không có ý nghĩa gì.

Hãy hình dung phỏng vấn giống như việc kiểm tra năng khiếu của một vận động viên bóng đá vậy. Huấn luyện viên chỉ cần đưa một quả bóng cho ứng viên và đề nghị đá thử. Ứng viên có thể đá mạnh, đá nhẹ, đá hướng này, hướng kia ... Không có một đáp án đúng hay sai trong phỏng vấn, mà mục đích là qua đó huấn luyện viên - với con mắt chuyên môn của mình, đánh giá được tiềm năng của ứng viên.

Người phỏng vấn là ai? Tại sao?

Người phỏng vấn của Nhà tuyển dụng là ai tùy thuộc vào tầm mức quan trọng, mục đích và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại thời điểm tuyển dụng.

Nếu doanh nghiệp tuyển dụng lao động giản đơn, nhân viên bình thường và số lượng tuyển dụng nhiều, thì thường Giám đốc nhân sự là người phỏng vấn. Và như vậy là đủ.

Ở mức cao hơn sẽ có 2 người phỏng vấn: Giám đốc Nhân sự & Trưởng bộ phận có nhu cầu tuyển dụng.

Cao hơn nữa sẽ có 3 người phỏng vấn: Giám đốc Nhân sự, Trưởng Bộ phận và Giám đốc công ty.

Đối với những vị trí nhân sự cao cấp (như tuyển dụng Giám đốc kinh doanh, Giám đốc điều hành, ...) trong vòng phỏng vấn sau cùng có thể là: Tổng giám đốc công ty và một vài Thành viên trong Hội đồng quản trị tham gia cuộc phỏng vấn. Họ có thể không trực tiếp hỏi, nhưng ngồi xem/nghe và sẽ có ý kiến nhận xét, đánh giá sau đó.

Xét về ý nghĩa, mục đích trong phỏng vấn:

- Phỏng vấn của Giám đốc Nhân sự: đánh giá chung, kỹ năng mềm, sự phù hợp hòa đồng, kiểm tra hồ sơ pháp lý, bằng cấp ...

- Phỏng vấn của Trưởng bộ phận: kiểm tra, đánh giá về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng nghề ...

- Phỏng vấn của Giám đốc: đánh giá tổng thể, tầm ảnh hưởng, triển vọng trong tương lai của ứng viên.

Theo đó, bộ câu hỏi do từng người phỏng vấn sẽ khác nhau, có nội dung theo tiêu chí trên.

Lưu ý là đối với ứng viên nhân sự cấp cao việc phỏng vấn không đơn thuần chỉ là ... phỏng vấn! Tức là chỉ có hỏi và trả lời. Mà còn là sự trao đổi, bàn luận, trình bày và tranh luận về một chủ đề do phía người phỏng vấn đưa ra.

Giám đốc công ty là người quyết định

Nói chung, tùy theo vị trí tuyển dụng và quy mô hoạt động của công ty mà việc tuyển dụng sẽ "dễ" hay "khó".

Nếu tuyển dụng vị trí cấp thấp, lao động phổ thông ... thì Giám đốc Nhân sự hay Trưởng bộ phận có thể quyết định việc tuyển dụng hay từ chối đối với một ứng viên.

Còn đối với các vị trí cấp cao thì sẽ do Giám đốc công ty quyết định. Trước đó, Giám đốc Nhân sự và Trưởng bộ phận sẽ cung cấp thông tin tổng hợp về ứng viên, ý kiến đánh giá và kiến nghị, Phiếu chấm điểm phỏng vấn ...vv của từng ứng viên. Giám đốc sẽ xem xét toàn diện, cân nhắc và đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc và pháp luật, người có thẩm quyền quyết định cuối cùng trong tuyển dụng lao động chính là Giám đốc công ty - người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ngay cả trong trường hợp Giám đốc nhân sự có quyền quyết định - như nói ở phần trên, thì thực chất cũng là theo sự "ủy quyền" của Giám đốc công ty.

......

QUẢN TRỊ NHÂN SỰ
  1. Làm việc linh hoạt, xu thế thích ứng với thời kỳ 4.0
  2. Cho nhân viên làm việc tại nhà - một lựa chọn sáng suốt, hợp lý
  3. 5 lỗi cơ bản và mất điểm nặng của người xin việc khi phỏng vấn
  4. Minh bạch lương liệu sẽ là động lực cho người đi làm?
  5. Giới tính có phải là yếu tố ảnh hưởng lương thưởng?
  6. Cách nào để có nhân sự giỏi?
  7. Quan hệ giữa sếp trẻ và nhân viên lớn tuổi
  8. 5 cách giữ mối quan hệ hài hòa với nhân viên
  9. 5 dấu hiệu của một nơi làm việc tồi
  10. 3 dấu hiệu cho thấy nhân viên sắp nhảy việc
  11. Bạn trẻ khó tìm việc vì hình xăm
  12. Bạc bẽo với công nhân
  13. Samsung lên tiếng về thông tin đối xử tệ với công nhân Việt Nam
  14. Cùng nghe nhân viên Facebook "nổ tung trời" về công ty trong mơ của mình
  15. 12 lý do khiến nhân viên Apple "yêu" công ty
  16. 25 cách làm tăng sự trung thành của nhân viên
  17. 10 lời khuyên về cách ứng xử nơi công sở
  18. Bí quyết thiết lập mối quan hệ trong công việc
  19. Lợi ích khi tuyển dụng lại 'người cũ'
  20. Quản trị nhân sự bằng chức danh
  21. Bỗng dưng mất việc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét