Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Bỗng dưng mất việc

Hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực nhưng nhiều giáo viên không được bố trí giảng dạy và bị cắt toàn bộ chế độ nhiều tháng nay. Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Người Lao Động mới đây, một số giáo viên (GV) Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Buk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết hơn 1 năm nay, vì không đồng ý chuyển từ hợp đồng lao động (HĐLĐ) dài hạn sang thời vụ, họ bị nhà trường cắt lương, cho "ngồi chơi xơi nước". Để mưu sinh, các GV phải tứ tán khắp nơi và làm đủ thứ việc chờ ngày được quay lại bục giảng. Thế nhưng đến nay, họ vẫn phải đợi chờ trong vô vọng dù đã cầu cứu khắp nơi.

Theo quy định tại Bộ luật lao động, thì HĐLĐ không thể "thụt lùi" từ "không xác định thời hạn", hay "có thời hạn" thành ... "thời vụ"


Ở không được, nghỉ không xong

Theo trình bày của thầy Nguyễn Tuấn Anh, ông cùng các GV khác là Nguyễn Ánh Dương, Lương Văn Chinh, H’Diêm Niêk Đăm, Trần Thị Bích Hạnh đều được ông Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, ký HĐLĐ vào các thời điểm từ năm 2013-2015, theo quyết định của UBND huyện Krông Pắk. Các bản HĐLĐ chỉ ghi thời điểm bắt đầu, không ghi thời hạn kết thúc. Cũng theo nội dung HĐLĐ, các GV sẽ được xếp lương hạng viên chức loại A1, bậc 1/9, hệ số lương 2,34; được đóng đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Mọi việc diễn ra bình thường cho đến ngày 21-1-2017, ông Nguyễn Khắc Thành yêu cầu tất cả GV dạy hợp đồng, bao gồm cả 5 GV kể trên, ký lại HĐLĐ. Theo đó, các GV sẽ được ký HĐLĐ thời vụ 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 5-2017), được bố trí dạy 4-5 tiết/tuần, hưởng lương 1,5 triệu đồng/tháng và phải tự đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN (32,5%), tức mỗi người chỉ còn được nhận 1.002.500 đồng/tháng. Nếu GV nào không đồng ý thì trường sẽ tạm ngưng HĐLĐ.

"Xét thấy việc ký lại HĐLĐ mới là không thỏa đáng nên chúng tôi không đồng ý ký. Chúng tôi cũng đề nghị nhà trường nếu muốn tạm ngưng HĐLĐ thì phải có thông báo bằng văn bản, phải trả lương chờ việc. Tuy nhiên, nhà trường không ra thông báo, cũng không bố trí lịch giảng dạy cho chúng tôi, đồng thời cắt toàn bộ lương và ngưng đóng BHXH, BHYT, BHTN từ đó đến nay" - GV Nguyễn Tuấn Anh bức xúc.

Thầy Nguyễn Ánh Dương cho biết sau khi xảy ra sự việc, các GV đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi và tham dự một số cuộc họp với lãnh đạo nhà trường song không thu được kết quả gì. Bởi câu trả lời được nhà trường đưa ra luôn là: nhà trường không tạm ngưng hợp đồng; không có nhu cầu hợp đồng thêm GV; ngân sách nhà trường hiện không đủ trả lương cho GV hợp đồng... "Trước tình hình đó, tôi đã nhiều lần yêu cầu nếu không thể bố trí công việc thì ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với tôi nhưng trường cũng không đồng ý. Đã vậy, trong các văn bản gửi cơ quan chức năng, trường đổ lỗi rằng chúng tôi tự ý bỏ việc, trong khi chính họ yêu cầu tôi bàn giao công việc và có biên bản bàn giao rõ ràng" - GV Nguyễn Ánh Dương ấm ức.

Lỗi tại biên chế?

Về nguyên nhân xảy ra sự việc trên, trong báo cáo gửi UBND huyện Krông Pắk (tháng 9-2017), ông Nguyễn Khắc Thành lý giải: Nhà trường ký HĐLĐ với GV là căn cứ vào quyết định của chủ tịch UBND huyện. Trong những năm qua, các GV hợp đồng được bố trí giảng dạy theo Công văn chỉ đạo số 724/UBND-NV và được trả lương từ ngân sách huyện giao hằng năm. Tuy nhiên, đến năm 2016, chỉ tiêu GV biên chế của trường liên tục bị cắt giảm. Cụ thể, đầu năm 2016, trường được giao chỉ tiêu biên chế là 69 GV nhưng cuối năm 2016 cắt còn 60. Đến năm 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ duyệt cho trường 56 biên chế, trong khi toàn trường có 55 GV biên chế và 16 GV hợp đồng nên nhà trường không đủ tiền trả lương cho GV hợp đồng như trước.

Trước tình hình đó, nhà trường đã tổ chức họp nhiều lần để thỏa thuận lại mức lương trả cho GV hợp đồng. Sau khi thỏa thuận, một số GV đồng ý ký lại HĐLĐ với mức lương mới, 5 GV còn lại không đồng ý và tự ý bỏ việc. "Các GV này cũng yêu cầu nhà trường phải ra quyết định tạm ngưng hoặc chấm dứt HĐLĐ nhưng chúng tôi trả lời nhà trường không có đủ thẩm quyền ra quyết định tạm dừng hay chấm dứt HĐLĐ" - ông Thành trình bày. Cũng theo báo cáo này, ông Thành cho biết hiện tại trường thừa chứ không thiếu GV và không có nhu cầu hợp đồng thêm GV nữa. Năm học 2017-2018, nhà trường có 22 lớp với tổng số 71 cán bộ, GV, nhân viên, thừa 7 GV biên chế so với chỉ tiêu được duyệt, chưa tính GV hợp đồng.

Để làm rõ phản ánh của các GV, mới đây, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Khắc Thành thì được trả lời vụ việc hiện do UBND huyện giải quyết. Chúng tôi thắc mắc tại sao vụ việc lại do huyện giải quyết thì ông Thành giải thích: "Chờ huyện tổ chức thi công chức", rồi cúp máy. Sau đó, chúng tôi đã cố gắng liên hệ lại nhưng ông Thành không nghe máy.
....

Hứa cho có?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số GV kể trên được liệt vào danh sách 612 GV dôi dư của huyện Krông Pắk. Trả lời báo chí vào thời điểm tháng 10-2017, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk hứa hẹn sẽ tuyển đặc cách và đại trà số GV dôi dư này dứt điểm trong năm 2017. Thế nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở việc hứa, còn các GV thì mỏi mòn chờ.

Nguồn: Mai Chi/báo NLĐ

...........

Hợp đồng lao động

  1. Quy định về Hợp đồng lao động
  2. Hợp đồng lao động & nội dung hợp đồng lao động (sơ đồ tóm lược)
  3. Quy định về HĐLĐ đối với giám đốc doanh nghiệp Nhà nước
  4. Ai là người có thẩm quyền giao kết/ký Hợp đồng lao động?
  5. Quy định về uỷ quyền trong giao kết Hợp đồng lao động
  6. Các giai đoạn của một HĐLĐ (sơ đồ tóm lược)
  7. Quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
  8. Phụ lục hợp đồng lao động là gì?
  9. Bản mô tả công việc (Job description) - Phụ lục quan trọng của HĐLĐ
  10. Sửa đổi, kéo dài thời hạn hợp đồng lao động
  11. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
  12. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLD của Người lao động (sơ đồ tóm lược)
  13. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ
  14. Chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
  15. Thế nào là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
  16. Quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
  17. Quyền tạm hoãn, hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của lao động nữ mang thai
  18. Hợp đồng lao động với NLĐ cao tuổi
  19. Hợp đồng lao động vô hiệu
  20. Trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động & xử lý HĐLĐ vô hiệu
  21. Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
  22. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm & Cách tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm
  23. Quy định về cho thuê lại lao động

Lưu ý: Liên quan đến HĐLĐ, trên site này còn có rất nhiều biểu mẫu - mời tham khảo trong mục Biểu mẫu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét