Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Trong thời gian hiệu lực của HĐLĐ, vì những lý do khách quan theo luật định, hoặc thoả thuận giữa hai bên, có thể tạm hoãn việc thực hiện HĐLĐ. Sau khi hết thời hạn tạm hoãn, NSDLĐ sẽ nhận lại NLĐ và HĐLĐ được tiếp tục thực hiện.

Cần lưu ý: Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và Tạm đình chỉ công việc là 2 nội dung/thủ tục hoàn toàn khác nhau về bản chất, lẫn hình thức.

<< HĐLĐ có thể tạm hoãn theo thoả thuận hoặc theo các trường hợp quy định tại Bộ luật lao động 2019 (ảnh minh hoạ)








* Cơ sở pháp lý:

- Điều 30, 31 BLLĐ 2019.

I. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Theo Khoản 1 Điều 30 BLLĐ 2019, các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

Ví dụ: Anh A làm việc tại công ty B, HĐLĐ thuộc dạng không xác định thời hạn. Tháng 1/2022 anh A được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự (thời gian 24 tháng). Như vậy theo quy định đây là trường hợp HĐLĐ được "tạm hoãn thực hiện HĐLĐ" - theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 30 BLLĐ 2019. Theo quy định, trong vòng 15 ngày sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự, anh A phải quay lại công ty để tiếp tục làm việc tại Điều 31 BLLĐ 2019. 

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

Việc NLĐ bị tạm giam, tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự có nhiều nguyên nhân, có thể do có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng ngay tại nơi làm việc và bị NSDLĐ tố giác đến cơ quan công an - chẳng hạn như trộm cắp tài sản của công ty; có thể là việc NLĐ có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ngoài nơi làm việc - chẳng hạn như đánh nhau gây thương tích cho người khác và bị công an tạm giam để khởi tố điều tra ...vv. 

Nếu NLĐ bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, thì chắc chắn cũng không thể đến công ty làm việc được, dù muốn hay không. Do vậy theo quy định HĐLĐ giữa hai bên sẽ bị "tạm hoãn thực hiện". Sau đó, nếu NLĐ bị kết án tù hay bị Toà án tuyên cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động ... thì HĐLĐ giữa hai bên sẽ chấm dứt - theo quy định tại Điều 34 BLLĐ 2019. 
 
c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này (BLLĐ 2019);

Điều 138 BLLĐ 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn HĐLĐ của lao động nữ mang thai, cụ thể như sau:

1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ.

Trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

2. Trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. 

đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;


h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận:

- Về nguyên tắc, hai bên (NLĐ và NSDLĐ) hoàn toàn có thể thoả thuận về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ vì nhiều lý do. Chẳng hạn như phía NLĐ muốn kéo dài thêm thời gian nuôi con còn nhỏ; vì lý do riêng của phía NLĐ; hay là trường hợp do phía NSDLĐ khó khăn không đủ kinh phí để trả lương trong một khoảng thời gian ngắn ...vv. Đây là trường hợp chúng ta thường gọi là "nghỉ việc không hưởng lương".

- Việc thoả thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ cần phải lập thành văn bản, ghi rõ thời gian tạm hoãn, lý do tạm hoãn, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong thời gian tạm hoãn, việc nhận lại NLĐ khi hết thời gian tạm hoãn, ...vv.

Ví dụ: Anh A đang là nhân viên kế toán làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn tại Công ty B. Gia đình anh A đang xây nhà ở quê và anh A muốn về phụ giúp gia đình trong thời gian xây dựng 2 tháng. Do thời gian nghỉ phép năm 12 ngày không đủ nên anh A xin phép và được Công ty đồng ý tạm hoãn thực hiện HĐLĐ với anh A trong thời gian 45 ngày. Trong thời gian này, anh A không được hưởng lương, nhưng Công ty đồng ý hỗ trợ tiếp tục đóng BHXH cho anh A. Hai bên ký Bản thoả thuận về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ.  

II. NLĐ không được hưởng lương trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 BLLĐ 2019, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

III. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 31 BLLĐ 2019, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

IV. Phân biệt giữa "Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động" & "Tạm đình chỉ công việc"

Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ là việc NLĐ không thể đến làm việc theo các điều kiện theo quy định tại Điều 30 BLLĐ 2019, hoặc do hai bên tự nguyện thoả thuận. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, NLĐ không được hưởng lương và các quyền lợi khác đã giao kết trong HĐLĐ (trừ trường hợp có thoả thuận khác). 

Trong khi đó, tạm đình chỉ công việc là biện pháp ngăn chặn trong thủ tục xử lý kỷ luật lao động, do phía NSDLĐ có quyền và đơn phương quyết định (sau khi tham khảo ý kiến Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở/Công đoàn cơ sở) đối với NLĐ. Thời gian tạm đình chỉ công việc thông thường không quá 15 ngày và trong thời gian tạm đình chỉ công việc, NLĐ vẫn được tạm ứng/nhận lương (tối thiểu 50%). Tạm đình chỉ công việc quy định tại Điều 128 BLLĐ 2019.

...

* Quy định tại BLLĐ 2019:

Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;

đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 31. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 138. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

2. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
..................

Bài liên quan:
.......

Hợp đồng lao động

  1. Quy định về Hợp đồng lao động
  2. Hợp đồng lao động & nội dung hợp đồng lao động (sơ đồ tóm lược)
  3. Quy định về HĐLĐ đối với giám đốc doanh nghiệp Nhà nước
  4. Quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
  5. Ai là người có thẩm quyền giao kết/ký Hợp đồng lao động? (sơ đồ tóm lược)
  6. Phụ lục hợp đồng lao động là gì?
  7. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLD của Người lao động (sơ đồ tóm lược)
  8. Thế nào là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
  9. Hợp đồng lao động vô hiệu
  10. Trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động & xử lý HĐLĐ vô hiệu
  11. Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
  12. Quy định về cho thuê lại lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét