Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Quyền đơn phương chấm dứt HĐLD của Người lao động

Trong một số trường hợp, do sự vi phạm thỏa thuận từ phía Người sử dụng lao động, hoặc vì lý do cá nhân chính đáng, Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động. Cụ thể là những trường hợp nào và quy định tại đâu? Tuy nhiên cần lưu ý là nếu Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định, thì bị xem là hành vi vi phạm hợp đồng, và có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho Người sử dụng lao động.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng (ảnh minh họa)





.....

* Quy định của pháp luật:

* Bộ luật lao động 2012:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

* Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

Điều 11. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp bị người sử dụng lao động đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;

b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;

c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.

.....

Hợp đồng lao động


  1. Quy định về Hợp đồng lao động
  2. Hợp đồng lao động & nội dung hợp đồng lao động (sơ đồ tóm lược)
  3. Hợp đồng lao động đầu tiên là gì?
  4. Quy định về HĐLĐ đối với giám đốc doanh nghiệp Nhà nước
  5. Ai là người có thẩm quyền giao kết/ký Hợp đồng lao động?
  6. Quy định về uỷ quyền trong giao kết Hợp đồng lao động
  7. Các giai đoạn của một HĐLĐ (sơ đồ tóm lược)
  8. Quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
  9. Phụ lục hợp đồng lao động là gì?
  10. Bản mô tả công việc (Job description) - Phụ lục quan trọng của HĐLĐ
  11. Sửa đổi, kéo dài thời hạn hợp đồng lao động
  12. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
  13. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLD của Người lao động (sơ đồ tóm lược)
  14. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ
  15. Chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
  16. Thế nào là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
  17. Quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
  18. Quyền tạm hoãn, hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của lao động nữ mang thai
  19. Hợp đồng lao động với NLĐ cao tuổi
  20. Hợp đồng lao động vô hiệu
  21. Trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động & xử lý HĐLĐ vô hiệu
  22. Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
  23. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm & Cách tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm
  24. Quy định về cho thuê lại lao động

Lưu ý: Liên quan đến HĐLĐ, trên site này còn có rất nhiều biểu mẫu - mời tham khảo trong mục Biểu mẫu. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét