Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Đơn khởi kiện vụ án lao động - bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ (biểu mẫu)

Khi NLĐ bị NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, và cho rằng việc chấm dứt này là sai quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì NLĐ có quyền khiếu nại tới Liên đoàn lao động quận, để nơi đây hoà giải. Nếu không hoà giải được, NLĐ có quyền nộp Đơn khởi kiện đến toà án, yêu cầu Toà án giải quyết các yêu cầu khởi kiện của mình.  

Trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án lao động được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự (ảnh minh hoạ)







Dưới đây là một Đơn khởi kiện từ một vụ việc có thật và đã được Toà án xét xử, với kết quả cuối cùng là phía bị đơn đã đạt được thoả thuận với NLĐ, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn/NLĐ. Vụ án này luật sư của công ty luật Ecolaw là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn/NLĐ. Vì lý do tế nhị, chúng tôi mã hoá tên của bị đơn (là một tờ báo). (Về nguyên tắc, những thông tin về các vụ án lao động được phép công khai, phiên toà xét xử công khai).

Qua đó, giúp quý vị hình dung cụ thể hơn về cách viết Đơn khởi kiện trong một vụ án lao động nói chung - từ bố cục, cho đến cách trình bày, tài liệu đính kèm đơn kiện. Cần lưu ý cuối đơn cần phải ghi rõ các yêu cầu khởi kiện - để Toà án có cơ sở xem xét và giải quyết.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc khởi kiện, giải quyết một vụ án lao động là một quá trình có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhiều khi khá phức tạp, mệt mỏi, và phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, trước khi khởi kiện, NLĐ cần tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư, để bảo đảm hiệu quả, cũng như nắm rõ các vấn đề pháp lý liên quan.

............


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 08 năm 2016

ĐƠN KHỞI KIỆN 
(V/v: Bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ và yêu cầu đền bù quyền lợi của NLĐ)

Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 3

Nguyên đơn: XXX, sinh: 1973
Căn cước công dân số: xxx
Địa chỉ: xxx, TP.HCM
Điện thoại: xxx

Bị đơn: báo YYY
Địa chỉ: yyy, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: ông TTT – Tổng biên tập.

Nay tôi làm đơn này khởi kiện báo YYY vì bị trù dập, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sai quy định của pháp luật và yêu cầu giải quyết các vấn đề về quyền lợi liên quan đến quá trình công tác của tôi tại báo YYY.

Cụ thể như sau:

1. 5 (năm) năm làm việc không được đóng bảo hiểm xã hội

Tôi nguyên là phóng viên báo YYY, làm việc tại báo từ tháng 5/2005 đến tháng 11/2015 (10 năm).

Tuy nhiên, trong thời gian 5 năm - từ tháng 5/2005 đến ngày 31/12/2009, tôi không được báo ký hợp đồng lao động, mà chỉ “khoán việc” theo từng năm (thông qua các Quyết định, tổng cộng có 7 Quyết định khoán việc). Suốt thời gian này (5 năm) tôi cũng không được hưởng đầy đủ chế độ của người lao động, không được đóng BHXH, bảo hiểm y tế ... Cụ thể: Trong 2 năm từ 2006 đến 2007 báo YYY trả lương và phụ cấp trọn gói hàng tháng là 1.000.000 đồng. Từ 2008 đến hết 2009 lượng và phụ cấp trọn gói hàng tháng là 1.500.000 đồng.

Chỉ đến ngày 1-1-2010, báo YYY mới ký “Hợp đồng lao động” lần đầu tiên, thuộc loại “xác định thời hạn” 1 năm với tôi. Sau đó, đến ngày 1-1-2012 thì chuyển thành Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Theo quy định tại Bộ luật lao động (giai đoạn 2005-2010), sau thời gian thử việc tối đa 2 tháng, nếu người lao động tiếp tục làm việc, thì bắt buộc phía Người sử dụng lao động (ở đây là báo YYY) phải ký hợp đồng lao động chính thức, có thời hạn ít nhất 1 năm. Và người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế … để hưởng các chế độ và quyền lợi luật định.

Việc báo YYY cố tình không ký hợp đồng lao động với tôi trong suốt 5 năm nói trên, và không đóng BHXH trong thời gian này dẫn đến hậu quả tôi không được hưởng đẩy đủ quyền lợi của người lao động và làm ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến việc xác định thời gian công tác, chế độ lương hưu … của tôi về sau.

Do vậy, tôi yêu cầu báo phải giải quyết, bồi hoàn cho tôi theo quy định của pháp luật.

2. Bị báo YYY chèn ép và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

Trong quá trình làm việc tại báo YYY,  tôi là một phóng viên năng nổ, hết mình trong công việc - thể hiện qua số lượng hàng trăm tin bài được đăng, cùng hàng chục bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, giải báo chí từ địa phương đến Trung ương.

Với những thành tích chuyên môn như vậy, tôi muốn chứng minh rằng tôi là một nhà báo có năng lực chuyên môn tốt, đạo đức tốt và nhiệt huyết trong công việc.

* Tôi bị lãnh đạo chèn ép trù dập và đuổi việc vì viết bài chống tiêu cực:

Từ cuối năm 2013, xuất phát từ hoạt động nghề nghiệp, khát vọng công lý và sự liêm chính, thẳng thắn của mình trong công cuộc phòng chống tham nhũng, vô tình đã đẩy tôi rơi vào hoàn cảnh “đụng chạm” với ông Đ  – Phó Tổng biên tập báo YYY. Hậu quả là tôi bị trù dập, chèn ép trong công việc trong suốt một thời gian dài. Cuối cùng là việc báo YYY  “gài bẫy”, đuổi việc với lý do không đủ chỉ tiêu tin bài.

Cụ thể như sau:

2. 1. Phó tổng biên tập dọa đuổi việc vì viết bài chống tiêu cực:

Cuối năm 2013, khi tôi bắt đầu điều tra về những tiêu cực tham nhũng trong mảng nạo vét đường sông ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp là đối tượng bị điều tra đã chạy tới ông Đ, là Phó tổng biên tập báo YYY, để “cầu cứu”.

Ngày 12.1.2014, tôi viết bài xong và gửi Tòa soạn, nhưng báo YYY không đăng do có sự tác động từ ông Đ. Sau đó, để ngăn chặn thông tin, ông Đ còn gọi điện hù dọa đuổi việc tôi.

Trên thực tế, những tư liệu điều tra của tôi là rất có giá trị trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Nhờ những thông tin từ bài điều tra này, cơ quan công an đã triệt phá được một đường dây tội phạm, khởi tố 8 bị can. Bản thân tôi được Ban Nội chính TƯ mời ra Hà Nội phối hợp công tác và thưởng nóng 50 triệu đồng. Như vậy, trong sự việc này, không phải là tôi lười biếng, hay làm việc sai nguyên tắc, hay kết quả lao động kém.

3.2. Từ tháng 7/2014 đến 9-2015: tôi bị cô lập, “cắt” công việc, không đăng bài:

Sau vụ việc trên, Ban biên tập báo YYY đã có những hành động cô lập, cắt công việc của tôi. Mục đích là đẩy tôi vào thế “thất nghiệp”, không thể có đủ lượng tin bài theo yêu cầu, nhằm mục đích đuổi việc tôi. Cụ thể như sau:

- Ngày 8.8.2014, tôi báo cáo Ban Biên tập về kế hoạch điều tra tuyến bài “Hàng lậu và tín dụng đen”. Đây là đề tài dựa trên cơ sở sau khi Ban Nội Chính Trung ương mời tôi ra phía Bắc khảo sát tình hình. Nhưng Ban biên tập đã không duyệt, cũng không nêu lý do.

- Ngày 29.1.2015, tôi viết hai bài “Công nghệ thổi trọng lượng gia súc gia cầm” nhưng không được đăng. (Sau đó tôi gửi qua báo công an TP thì báo này đăng trang nhất, Đài THVN cũng dùng sử dụng phóng sự của tôi để cảnh báo người tiêu dùng!). Trong khi đây là loạt bài tôi đã báo cáo, được cơ quan duyệt đi làm.

- Ngày 21.5.2015 tôi báo cáo loạt bài (3 bài) điều tra “Lâm tặc và casino giữa đại ngàn”, nhưng không được duyệt làm.

- Ngày 12.9.2015, tôi gửi Tòa soạn bài “Thần dược do công chúa Thái Lan chứng nhận?”, theo đề tài đã báo cáo và được báo cho đi làm, nhưng báo không đăng.

2.3. Bị ép nghỉ việc vì “không hoàn thành chỉ tiêu nhuận bút”:

- Ngày 6/8/2015, Ban Chính trị xã hội báo YYY họp ghi biên bản lấy ý kiến và yêu cầu tôi làm cùng lúc hai “Bản giải trình” cho hai quý I và II năm 2015, giải trình vì sao bị thiếu chỉ tiêu nhuận bút. Tôi đã giải thích (nêu trong 2 Bản giải trình) là: 1; Tôi không được phân công làm thời sự. Còn mảng an sinh tôi viết bài nộp nhưng không được đăng. Đây là nghịch lý vì chỉ tiêu tin bài phụ thuộc vào việc làm thời sự và đăng bài hay không do Ban biên tập và Ban thư ký quyết định. 2; Không có thời sự để làm tin, viết bài thì không được đăng, trong khi cơ quan không có hướng dẫn cụ thể thế nào là bài chất lượng và không chất lượng.

- Ngày 29-9-2015, Trưởng Phòng Tổ chức động viên tôi viết đơn xin nghỉ việc vì “có cơ hội đi xin việc ở báo khác, nếu không sẽ cho nghỉ việc không hoàn thành nhiệm vụ, kiện cũng thua”.

- Ngày 6-10-2015, báo gọi điện thoại lên họp, khi lên họp tôi mới biết thông báo việc Báo YYY chấm dứt HĐLĐ với mình.

- Ngày 12-10-2015, báo giao “Quyết định chấm dứt hợp đồng” do Tổng biên tập ký ngày 7-10-2015. Quyết định ghi chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 30-11-2015.

2.4. Bị phạt đóng tiền vì “thiếu chỉ tiêu nhuận bút”:

Từ nhiều năm qua, tại báo YYY có quy định về “Chỉ tiêu nhuận bút” mỗi phóng viên phải bảo đảm mỗi tháng có được số tiền nhuận bút tối thiểu là 3.500.000 đồng, tức mỗi năm tối thiểu phải đạt 42.000.000 đồng - thì sẽ được xem là hoàn thành nhiệm vụ. Nếu phóng viên nào không đạt chỉ tiêu nhuận bút nêu trên, thì ngoài việc không có tiền nhuận bút, còn phải tự móc tiền túi của mình ra để “nộp phạt” cho báo!.

Mặc dù trong 3 năm liên tục 2011, 2012, 2013 tôi đều vượt chỉ tiêu, nhưng từ năm 2014, khi bắt đầu bị trù dập, tiền nhuận bút của tôi không đạt chỉ tiêu.

Trong 9 tháng năm 2015, theo chỉ tiêu tôi bị thiếu 25,5 triệu đồng và bị báo phạt hơn 64.000.000 đồng (thực tế đã phạt 27.600.000 đồng) – thể hiện tại các Bảng lương.

Qua sự việc và diễn biến như trình bày ở trên, tôi cho rằng:

1. Tôi đã bị báo YYY lợi dụng trong việc làm, bóc lột và tước đoạt quyền lợi của người lao động – được quy định rõ tại Bộ luật lao động. Cụ thể không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội trong suốt 5 năm.

2. Việc tôi bị báo YYY phạt tiền (với lý do thiếu chỉ tiêu nhuận bút) là sai quy định của pháp luật.

3. Báo YYY đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với tôi. Vì lý do căn cứ vào quy chế chỉ tiêu nhuận bút – là mơ hồ và trái pháp luật. Thực chất báo không đăng bài, không phân công công việc đối với tôi xuất phát từ hành vi cố tình trù dập, chèn ép người lao động do có sự đụng chạm, mâu thuẫn với lãnh đạo cơ quan. Hoàn toàn không phải là do Người lao động lười làm việc, hay bài viết kém chất lượng. Ngoài ra trình tự và thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động cũng sai quy định.

Do vậy, nay tôi có đơn này khởi kiện báo YYY. Tôi kính đề nghị Quý Tòa xem xét và giải quyết những yêu cầu sau đây:

- Yêu cầu báo YYY đóng bổ sung hoặc thanh toán cho tôi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp - trong thời gian 4 năm từ 2006 đến hết 2009.

- Yêu cầu báo YYY hoàn trả cho tôi số tiền đã “phạt” là 27.600.000đ về thiếu chỉ tiêu nhuận bút. Vì việc phạt này là sai quy định của pháp luật.

- Yêu cầu báo YYY thu hồi Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (ngày 7-10-2015) và nhận tôi vào làm việc trở lại. Hoặc hai bên thỏa thuận bồi thường thiệt hại và chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật lao động.


Xin chân thành cám ơn.

                                                                  Kính đơn


* Đính kèm:

- Các Quyết định khoán việc trong 5 năm (từ 2005 đến 2009).
- Các Hợp đồng lao động (3 bản).
- Các Bảng lương thể hiện bị trừ tiền.
- Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ngày 7/10/2015.
- CMND & Hộ khẩu (bản sao).
- Thẻ Hội viên Hội nhà báo.

............

Vụ án lao động 

Gồm 4 phần:
1. Quy định của pháp luật về tố tụng lao động
2. Các mẫu đơn từ trong một vụ án lao động
3. Một số vụ án lao động tiêu biểu (với bình luận của luật sư)
4. Biểu mẫu tố tụng lao động (do Toà án ban hành)
.......

1. Quy định của pháp luật về tố tụng lao động:
  1. Thế nào là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
  2. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
  3. Những tranh chấp về lao động thường dẫn đến kiện tụng 
  4. Các giai đoạn giải quyết một vụ án lao động (sơ đồ tóm lược)
  5. Trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án lao động
  6. Vấn đề chứng cứ và chứng minh trong vụ án lao động
  7. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện vụ án lao động 
  8. Hướng dẫn nộp Đơn khởi kiện vụ án lao động
  9. Vấn đề án phí trong vụ án lao động
  10. Thế nào là hoà giải trong tố tụng lao động

2. Các mẫu đơn từ trong vụ án lao động

  1. Đơn khởi kiện vụ án lao động
  2. Đơn trình bày về nội dung khởi kiện
  3. Đơn trình bày và giao nộp chứng cứ
  4. Đơn đề nghị thu thập chứng cứ
  5. ...vv 




......

3. Một số vụ án lao động tiêu biểu:
  1. Vụ án 001: "Tranh chấp về trợ cấp thôi việc, BHXH và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp HĐLĐ"
  2. Hết thời hiệu khởi kiện vụ án lao động, Toà vẫn thụ lý xét xử là sai quy định
  3. Bị sa thải và dán ảnh nơi công cộng, nữ nhân viên khởi kiện công ty
  4. Bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ khởi kiện và thắng kiện sau 6 lần xét xử
  5. Vi phạm cam kết làm việc sau khi được gửi đi đào tạo ờ nước ngoài, NLĐ bị kiện
  6. Lao động sinh con thứ 3 khiếu kiện cty khóa Việt Tiệp sa thải sai quy định
  7. Giám đốc nhân sự bị sa thải trái luật được bồi thường hơn 900 triệu đồng
  8. Được bồi thường hơn 118 triệu đồng vì bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
  9. Kỹ sư Lê Văn Tạch bị Toyota kỷ luật vì gửi thư làm phiền Tổng giám đốc
  10. Sa thải nhân viên theo Thoả ước lao động trái luật, công ty bị thua kiện
  11. Sa thải trái pháp luật, công ty PMC phải bồi thường cho NLĐ trên 300 triệu đồng 

.......

4. Biểu mẫu tố tụng:
(Do Toà án ban hành)
  1. Thông báo về việc thụ lý vụ án lao động
  2. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí
  3. Giấy triệu tập tham dự phiên hoà giải và kiểm tra chứng cứ
  4. Biên bản hoà giải và kiểm tra chứng cứ
  5. Biên bản hoà giải không được
  6. Biên bản hoà giải không thành
  7. Biên bản hoà giải thành
  8. Quyết định công nhận thoả thuận của các bên đương sự
  9. Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
  10. Giấy triệu tập tham dự phiên toà sơ thẩm
  11. Bản án sơ thẩm
  12. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm
  13. Bản án phúc thẩm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét