Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

NLĐ trong thời gian thử việc có tham gia BHXH bắt buộc không? (từ 1/1/2018)

Ls. Trần Hồng Phong


Quy định mới về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ 1/1/2018, gồm cả HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng - có liên quan, ảnh hưởng gì đến việc NLĐ thử việc làm việc theo Hợp đồng thử việc không? NLĐ trong thời gian thử việc có (phải là đối tượng) tham gia BHXH bắt buộc không?

Lao động thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả thêm vào tiền lương một khoản tiền tương đương (ảnh minh họa)





Theo quy định tại Luật BHXH (năm 2014) và Nghị định 115/2015/NĐ-CP (hướng dẫn thực hiện Luật BHXH) có điểm MỚI là: từ ngày 1/1/2018, NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng cũng tham gia BHXH bắt buộc. (Ghi chú: Trước ngày 1/1/2018, chỉ NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên mới tham gia BHXH bắt buộc).

Như vậy, khái quát là: Từ ngày 1/1/2018, NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Với quy định MỚI như trên, có ảnh hưởng hay liên quan gì đến NLĐ thử việc hay không? Hay nói một cách cụ thể hơn là: Từ ngày 1/1/2018, NLĐ làm việc theo Hợp đồng thử việc (thường có thời hạn từ 1-2 tháng) có thuộc đối tượng (được) tham gia BHXH bắt buộc không? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo chúng tôi, hiện nay (tính đến ngày 1/1/2018) KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH NÀO THỂ HIỆN NLĐ TRONG THỜI GIAN THỬ VIỆC LÀ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH BẮT BUỘC.

Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi có ý kiến trao đổi và phân tích như sau:

Trước hết, điều cần làm rõ là:

- "NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng" có phải là NLĐ thử việc hay không? Và,

- Hợp đồng thử việc" có phải là "HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng" không?

1. Xét về thời gian: không phải

Điều 27 BLLĐ 2012 quy định về thời gian thử việc (hợp đồng thử việc) như sau:

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.


Và tại Khoản 2 Điều 26 BLLĐ 2012 quy định:

4. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Từ những quy định trên, chúng ta thấy rằng:

- "Hợp đồng thử việc" có thể có thời hạn từ 0 ngày (thấp nhất; dạng mùa vụ, đơn giản không phải thử việc) cho đến 60 ngày (cao nhất, đối với công việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên).

> Như vậy, "Hợp đồng thử việc" có thể rơi vào trường hợp KHÔNG PHẢI là HĐLĐ có thời gian "từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng" - nếu xét về mặt thời gian hợp đồng.

Tức là cứ giả sử rằng NLĐ thử việc ĐƯỢC tham gia BHXH, thì lại có trường hợp NLĐ thử việc KHÔNG ĐƯỢC tham gia BHXH - vì không đủ thời gian quy định cho đối tượng tham gia BHXH. Hay nói khác đi, nếu pháp luật quy định như vậy, thì đây là điều bất hợp lý, không công bằng và cũng không đúng nguyên tắc chung (người được, người không được).

Ví dụ: Anh A vào thử việc tại công ty B, thời gian thử việc là 10 ngày (2 tuần làm việc). Trong trường hợp này rõ ràng anh A không thể tham gia BHXH bắt buộc. Cho dù là luật cho phép NLĐ thử việc được tham gia BHXH. (dù chỉ là giả sử)

> Như vậy, xét về mặt thời gian, việc NLĐ thử việc được tham gia BHXH bắt buộc là không hợp lý.

2. Xét về "đối tượng tham gia BHXH" theo quy định của tại Luật BHXH: không có NLĐ thử việc

- Tới nay, không/chưa có điều luật nào quy định rằng NLĐ trong thời gian thử việc được tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể chỉ có quy định "NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời gian từ đủ 1 tháng" là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

- Có một quy định mang tính gián tiếp, liên quan đến vấn đề này. Cụ thể tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động (năm 2012) quy định như sau: "3. Đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc, thì ngoài việc trả lương theo công việc, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ MỘT KHOẢN TIỀN cho NLĐ TƯƠNG ĐƯƠNG với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc".

> Từ các quy định trên, cho thấy NLĐ trong thời gian thử việc không phải là đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc. Mà bù lại, họ sẽ được NSDLĐ trả cho "MỘT KHOẢN TIỀN TƯƠNG ĐƯƠNG". Tức là thay vì "tham gia", thì được chuyển thành "tiền".

3. Xét về "nội dung" hợp đồng: HĐLĐ có điều khoản về tham gia BHXH; trong khi Hợp đồng thử việc không có điều khoản về BHXH

- Theo quy định tại Điều 23 BLLĐ 2012, quy định trong nội dung HĐLĐ, PHẢI CÓ NỘI DUNG VỀ BHXH bắt buộc (và cả về BHYT, BHTN).

- Trong khi đó, theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2012, thì Hợp đồng thử việc phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này" - cho thấy nội dung Hợp đồng thử việc KHÔNG CÓ ĐIỀU KHOẢN VỀ BHXH.

> Từ quy định trên, cũng gián tiếp cho thấy: NLĐ trong thời gian thử việc không có/không thoả thuận về việc tham gia BHXH bắt buộc.

4. Lưu ý quan trọng: Công văn số: 2447/LĐTBXH-BHXH ngày 16/7/2011 của Bộ LĐTBXH là hướng dẫn luật cũ (nay đã hết hiệu lực)

Liên quan đến việc NLĐ trong thời gian thử việc có tham gia BHXH hay không, trước đây tại Mục 3 Công văn số: 2447/LĐTBXH-BHXH của Bộ LĐTBXH ngày 26/7/2011 về hướng dẫn một số vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH, có quy định như sau:

"3. Đối với NLĐ có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động và NLĐ phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ".

Tức là theo Bộ LĐTBXH, thì có trường hợp NLĐ trong thời gian thử việc "phải tham gia BHXH bắt buộc". Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu như sau:

1. - Công văn số: 2447/LĐTBXH-BHXH ngày 16/7/2011 của Bộ LĐTBXH là công văn hướng dẫn thực hiện Luật BHXH CŨ. Đó là Luật BHXH năm 2006, đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

2. - Ngoài ra, theo hướng dẫn trong Công văn 2447, thì cũng chỉ áp dụng cho trường hợp NLĐ thử việc cùng lúc phải thoả 2 (hai) điều kiện sau:

i). Thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ. Ghi chú: việc thời gian thử việc ghi vào HĐLĐ chỉ quy định trong các Bộ luật lao động CŨ. Cụ thể là: BLLĐ năm 1994; BLLĐ năm 2002 (sửa đổi); BLLĐ năm 2006 (sửa đổi) và BLLĐ năm 2007 (sửa đổi). Những BLLĐ này hiện nay đều đã HẾT HIỆU LỰC. Còn tại BLLĐ năm 2012 hiện hành và đang có hiệu lực không quy định về vấn đề này.

ii). Hợp đồng lao động phải "thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc". (Tức là phải có thời hạn từ đủ 3 tháng trở).

Tóm lại:

- Tính đến ngày 1/1/2018, không có quy định NLĐ trong thời gian thử việc (có Hợp đồng thử việc) là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mà chỉ có quy định phía NSDLĐ có trách nhiệm trả thêm "một khoản tiền tương đương".

- Hoặc thậm chí là nếu có, thì chúng ta cần phải chờ hướng dẫn, quy định MỚI, BỔ SUNG - của Bộ LĐTBXH về vấn đề này.

......

Tuyển dụng, thử việc

Quy định, nguyên tắc:
  1. Quy trình tuyển dụng & thử việc
  2. Quy định của pháp luật về Tuyển dụng lao động
  3. Quy định về thử việc
  4. Hồ sơ xin việc gồm những gì?
  5. Quy định về tuyển dụng lao động trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất ...
  6. Quyền lợi, chế độ của người lao động trong thời gian thử việc
  7. Không tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân trong Hồ sơ xin việc


Biểu mẫu liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét