Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Quyền tạm hoãn, hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của lao động nữ mang thai

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Lao động nữ đang mang thai thuộc trường hợp sức khoẻ yếu, hoặc vì lý do bảo vệ thai nhi và có chỉ định của bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, thì có quyền tạm hoãn, hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Vấn đề này được quy định tại Bộ luật lao động (2012).

Khi có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh chữa bệnh, lao động nữ đang mang thai có quyền tạm hoãn hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ để bảo đảm sức khoẻ cho chính mình và thai nhi (ảnh minh hoạ)












I. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật lao động (năm 2012)

- Nghị định số 85/2015/NĐ-CP

II. Quyền tạm hoãn hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của lao động nữ mang thai:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 BLLĐ (2012), lao động nữ mang thai có quyền chủ động đề nghị NSDLĐ cho mình được tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp sau và phải bảo đảm thời hạn báo trước như sau:

- "Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi". 

- "Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định".

Qua đó, cần lưu ý như sau:

- Việc tạm hoãn hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ của lao động nữ mang thai phải có GIẤY XÁC NHẬN của bác sỹ/cơ sở khám bệnh chữa bệnh CÓ THẨM QUYỀN. Tức là những bệnh viện của Nhà nước hoặc tư nhân có đầy đủ giấy phép hoạt động.

- GIẤY XÁC NHẬN của cơ sở khám bệnh chữa bệnh được phát hành dựa trên cơ sở tình trạng sức khoẻ của NLĐ và do bác sỹ chủ động đưa ra. Chứ không phải là NLĐ "xin" hay "chạy" để có được giấy này. Hay nói khác đi, truy đây là quyền của lao động nữ, nhưng đặt trong bối cảnh BỊ ĐỘNG, vì lý do sức khoẻ hoặc bảo vệ thai nhi. Chứ không phải là NLĐ "thích" thì xin tạm hoãn hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

- Việc báo trước cho NSDLĐ cũng thuộc tình huống bị động. Tức là không thể biết trước. Nhưng khi có Giấy xác nhận của bác sỹ - có thể xem như một Y LỆNH, thì NLĐ phải thông báo/báo trước cho NSDLĐ.

- Vì đây là QUYỀN chứ không phải là NGHĨA VỤ, cho nên một câu hỏi đặt ra là: Vậy trong trường hợp có Giấy xác nhận của bác sỹ, nhưng NLĐ đang mang thai lại KHÔNG MUỐN tạm hoãn hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì có được không? Xét về mặt nguyên tắc, thì lao động nữ mang thai có quyền và có thể tiếp tục làm việc theo HĐLĐ. Trên thực tế, vẫn có những trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, người lao động vẫn "liều mình" làm việc, bất chấp lời khuyên hay y lệnh của bác sỹ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tốt nhất là chúng ta cần tuân thủ theo lời khuyên, y lệnh của bác sỹ. Cũng chính là bảo vệ sức khoẻ, thậm chí tính mạng của thai nhi và chính mình. Vì khi hậu quả đã xảy ra rồi, thì có hối hận cũng không còn kịp nữa.

- Về thủ tục tạm hoãn hay chấm dứt HĐLĐ, cũng như vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ khi tạm hoãn, chấm dứt HĐLĐ thực hiện theo quy định chung.

...............

Tài liệu tham khảo:

* Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Điều 156. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

Điều 33. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

.............

* Quy định tại Nghị định 85/2015/NĐ-CP:

Điều 8. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

2. Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

3. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

............

Lao động nữ

  1. Những quy định riêng đối với lao động nữ
  2. Chế độ thai sản (BHXH bắt buộc)
  3. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ (sơ đồ tóm lược)

Hợp đồng lao động

  1. Quy định về Hợp đồng lao động
  2. Hợp đồng lao động & nội dung hợp đồng lao động (sơ đồ tóm lược)
  3. Quy định về HĐLĐ đối với giám đốc doanh nghiệp Nhà nước
  4. Ai là người có thẩm quyền giao kết/ký Hợp đồng lao động?
  5. Quy định về uỷ quyền trong giao kết Hợp đồng lao động
  6. Quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
  7. Phụ lục hợp đồng lao động là gì?
  8. Bản mô tả công việc (Job description) - Phụ lục quan trọng của HĐLĐ
  9. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLD của Người lao động (sơ đồ tóm lược)
  10. Thế nào là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
  11. Quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
  12. Hợp đồng lao động vô hiệu
  13. Trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động & xử lý HĐLĐ vô hiệu
  14. Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
  15. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm & Cách tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm
  16. Quy định về cho thuê lại lao động


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét