Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Thủ tục sa thải đối với NLĐ là thành viên Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở


Việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với NLĐ là thành viên Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở có thể xem là tình huống cá biệt, (minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong

Bộ luật lao động 2019 quy định tại từng doanh nghiệp sử dụng từ trên 10 lao động sẽ có "Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở". Đơn giản dễ hiểu đó chính là: Công đoàn cơ sở (viết gọn). Theo đó, trình tự thủ tục xử lý KLLĐ đối với NLĐ là thành viên Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở sẽ khác một chút so với NLĐ khác.

Khoản 3 Điều 177 BLLĐ 2019 quy định:

"NSDLĐ phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với NLĐ là thành viên Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở.

Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Sau 30 ngày kể từ ngày báo, NSDLĐ mới có quyền quyết định".

Quy định trên cho thấy: việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải liên quan đến vấn đề xử lý kỷ luật lao động. Theo đó, trình tự thủ tục xử lý KLLĐ đối với NLĐ là thành viên Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở sẽ khác một chút so với NLĐ khác.

Cụ thể như sau:

1. Đối với các trường hợp vi phạm kỷ luật lao động chưa đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải, thì NSDLĐ tiến hành xử lý KLLĐ như trường hợp NLĐ bình thường.

2. Đối với trường hợp vi phạm nặng, dự kiến sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là sa thải, NSDLĐ phải thực hiện thêm 2 bước như sau:

- Bước 1: NSDLĐ thỏa thuận bằng văn bản với Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở về việc có thể kỷ luật sa thải NLĐ là thành viên Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở. Có 2 khả năng xảy ra: 1. Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở ĐỒNG Ý (đạt được thoả thuận); 2. KHÔNG ĐỒNG Ý (không đạt được thoả thuận) về việc sa thải NLĐ.

Nếu thuộc trường hợp 1: đạt được thỏa thuận, NSDLĐ tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động và đưa ra quyết định kỷ luật như các trường hợp thông thường.

Nếu thuộc trường hợp 2: không thỏa thuận được, khi đó cả hai bên (NSDLĐ và Công đoàn cơ sở) đều phải báo cáo (bằng văn bản) với Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Sau đó, sau 30 ngày kể từ ngày thông báo, NSDLĐ mới có quyền tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động và đưa ra quyết định kỷ luật.

- Bước 2: Tiến hành cuộc họp xử lý KLLĐ, sau đó ban hành Quyết định kỷ luật sa thải.

Lưu ý thêm:

- Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động, việc áp dụng hình thức kỷ luật như thế nào về nguyên tắc hoàn toàn thuộc về NSDLĐ, không ai có quyền can thiệp. Tuy nhiên trong thời gian 30 ngày kể từ thời điểm NSDLĐ gửi báo cáo, nếu Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh có văn bản đề nghị hay đề xuất gì liên quan, thì phía NSDLĐ sẽ xem xét và cân nhắc thêm trước khi có quyết định cuối cùng, trên cơ sở hợp tình hợp lý, đúng pháp luật. Có thể áp dụng hình thức kỷ luật nhẹ hơn.

- Việc kỷ luật sa thải NLĐ là thành viên Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở luôn là tình huống cần được xem là cá biệt, nhạy cảm. NSDLĐ cần bảo đảm khách quan, thận trọng và đúng pháp luật.

.....

* Quy định tại BLLĐ 2019:

Điều 3. Giải thích từ ngữ


Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

(...)

3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

(...)

Điều 177. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

1. Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

2. Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được thành lập hợp pháp.

3. Phải thỏa thuận bằng văn bản với ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động thì người lao động, ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

4. Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

5. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét