Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Đơn xin thử việc công việc mới (biểu mẫu)

Thử việc là một giai đoạn thuộc quy trình tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật lao động (2019), chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc. Điều này đồng nghĩa với việc pháp luật không cấm NLĐ thử việc lần 2 đối với một công việc mới tại cùng một doanh nghiệp. Mặc dù hiếm hoi, nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp cả hai bên (NLĐ và NSDLĐ) muốn tạo cơ hội cho nhau, cho một vị trí công việc mới, với những thiện cảm nhất định trong thời gian thử việc đã qua (dù không đạt yêu cầu). Dưới đây là một mẫu Đơn xin thử việc cho vị trí công việc mới mà NLĐ và doanh nghiệp có thể tham khảo.

Pháp luật không cho phép thử việc quá 1 lần cho một công việc. Phải hoàn toàn tự nguyện, hiểu rõ quy định của pháp luật khi xin thử việc cho vị trí công việc mới (ảnh minh hoạ)


Ghi chú:

- Lưu ý là: Đơn xin thử việc (việc mới) này về bản chất chính là một Đơn xin việc. Do vậy phải do Người xin thử việc tự nguyện viết, cam kết hiểu rõ quy định của pháp luật về thử việc. Vì nếu không có thể hiểu là phía DN đã vi phạm quy định của pháp luật về thử việc (thử việc 2 lần, kéo dài quá thời gian quy định).

- Doanh nghiệp chỉ nên chấp nhận khi cảm thấy có khả năng thật sự cao là NLĐ sẽ thành công, phù hợp với vị trí thử việc mới. Không nên nhận chỉ vì cảm tính, hay "tình cảm" cá nhân.

..........


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.HCM, ngày 5/9/2021

ĐƠN XIN THỬ VIỆC 
(V/v: Thử việc tại vị trí công việc mới)

Kính gửi: GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH XXX

Tôi tên là: YYY, sinh: 1988.
Trình độ chuyên môn: Cử nhân kinh tế.
Số CMND: yyy cấp ngày yyy.
Hộ khẩu thường trú: yyy
Địa chỉ tạm trú tại TP.HCM: yyy
Điện thoại:yyy
Email:yyy

Theo thông tin tuyển dụng do Quý công ty đăng trên báo Tuổi Trẻ, tôi đã nộp hồ sơ xin việc, ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh. Ngày 5/7/2021 vừa qua, công ty đã phỏng vấn và đồng ý nhận tôi vào thử việc trong thời gian 60 ngày tại vị trí "nhân viên kinh doanh". Đến ngày 1/9/2021, công ty có văn bản thông báo kết quả thử việc của tôi không đạt yêu cầu. Kết quả này làm tôi cảm thấy rất buồn và thất vọng.

Tuy nhiên, tôi tự nhận thấy mình đã làm việc không hiệu quả, không hoàn thành chỉ tiêu được giao tại vị trí thử việc "nhân viên kinh doanh". Tôi cho rằng đánh giá của công ty đối với kết quả thử việc của tôi là khách quan. Qua đó, tôi nhận thấy mình không có đủ tố chất và khả năng trong công việc bán hàng (nhân viên kinh doanh).

Hiện nay, tôi được biết công ty đang có nhu cầu tuyển dụng bổ sung một nhân viên cho Phòng kế toán. Tôi nhận thấy công việc này rất phù hợp với khả năng chuyên môn của tôi (tôi có bằng TNĐH ngành tài chính - kế toán). Đây có thể là một cơ hội tốt để tôi chứng tỏ khả năng của mình, và mong muốn tham gia vào đội ngũ của quý công ty.

Do vậy, tôi quyết định viết Đơn này, xin được công ty xem xét và cho phép tôi được ứng tuyển vào vị trí “nhân viên phòng kế toán” mà công ty đang có nhu cầu tuyển dụng. (Ghi chú: Vì tôi đã nộp hồ sơ và qua vòng phỏng vấn trước đây, nên theo hướng dẫn của Phòng Nhân sự, tôi được Phòng nhân sự đồng ý nhận vào thử việc tại vị trí công việc mới này với điều kiện phải có Đơn xin thử việc).

Tôi xác định và hiểu rằng nếu được công ty đồng ý, thì đây là việc thử việc cho công việc “nhân viên phòng kế toán”, là vị trí công việc mới, không liên quan gì đến quá trình thử việc cho vị trí “nhân viên kinh doanh" của tôi trước đây và không thuộc trường hợp thử việc hai lần cho một công việc. 
Tôi cam kết hoàn toàn tự nguyện khi viết Đơn xin thử việc này.

Kính mong được Ban giám đốc công ty xem xét và cho tôi có được cơ hội thử thách tại một vị trí công việc mới. Xin chân thành cám ơn.
                                                                                        Kính đơn (ký, ghi rõ họ tên)

......

* Quy định tại Bộ luật lao động (2019):


Điều 24. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.

3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

Điều 25. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 26. Tiền lương thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
............

Tuyển dụng, thử việc

Quy định, nguyên tắc:
  1. Quy trình tuyển dụng & thử việc
  2. Quy định của pháp luật về Tuyển dụng lao động
  3. Quy định về thử việc
  4. Hồ sơ xin việc gồm những gì?
  5. Quy định về tuyển dụng lao động trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất ...
  6. Quyền lợi, chế độ của người lao động trong thời gian thử việc


Biểu mẫu liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét