Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Nộp Đơn xin nghỉ việc bị giám đốc xé đơn, quyền lợi thế nào?

Hỏi: Thưa luật sư. Tôi làm cho một công ty cổ phần của nhà nước, nhiệm vụ là nhân viên Phòng nhân sự. Vừa qua tôi có nộp đơn xin nghỉ việc gửi Phòng nhân sự và Phòng nhân sự có trình lên Giám đốc. Giám đốc có mời tôi làm việc để khuyên ở lại tiếp tục làm việc. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên tôi không thể tiếp tục công tác và sau đó Giám đốc đã xé đơn nghỉ việc của tôi. Vậy tôi xin hỏi: HĐLĐ của tôi là loại không xác định thời hạn, vậy đúng 45 ngày tôi có được quyền nghỉ khi giám đốc chưa ra quyết định chấm dứt HĐLĐ hay không? Xin chân thành cám ơn. (S.H).

<< Khi nghỉ việc, NLĐ nên có đơn, thông báo đúng thời hạn quy định (ảnh minh hoạ)



Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, nói thật là tôi hơi bị shock khi thấy bạn nói giám đốc công ty đã xé Đơn xin nghỉ việc của bạn. Đây là một hành động vừa sai về luật, vừa vô văn hoá (có thể nói vậy). Không thể chấp nhận được.

Nói về luật, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (nghỉ việc) theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012. Cụ thể tại Khoản 3 Điều 37 quy định như sau:

"3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này". (Ghi chú: Điều 156 là trường hợp lao động nữ đang mang thai).

Như vậy, nói tóm gọn là bạn hoàn toàn có quyền chấm dứt HĐLĐ và công ty không có quyền ngăn cản việc này.

Trong tình huống của bạn, do ông giám đốc đã xé lá đơn, nên để có bằng chứng và văn bản rõ ràng chắc chắn an toàn, bạn nên làm lại Đơn xin nghỉ việc (vẫn ghi ngày cũ đã nộp) gửi cho Phòng nhân sự một lần nữa và đề nghị Phòng chuyển lên giám đốc giải quyết theo đúng quy định. Trong Đơn xin nghỉ việc, bạn nên nêu rõ thời gian 45 ngày, đề nghị công ty bố trí người nhận bàn giao công việc và giải quyết thủ tục chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định của pháp luật. Nếu công ty không giải quyết, thì bạn vẫn nghỉ - vì đây là quyền của NLĐ và không chịu trách nhiệm nếu có những hậu quả xảy ra đối với công ty.

Vì có lẽ bạn đã làm việc lâu năm tại công ty, nên có thể giám đốc thấy "tiếc" và đã có lối ứng xử đáng tiếc như vậy. Tôi nghĩ cũng không cần thiết phải căng thẳng, tranh cãi với giám đốc. Nhưng bạn vẫn cần dứt khoát và rõ ràng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Chúc bạn mọi việc thuận lợi, tốt đẹp.

.....

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

.....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét