Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Xây dựng quy chế làm việc tại nhà

Ls. Trần Hồng Phong

Những ngày tháng tư này (tháng 4/2020), khi đại dịch Covid 19 đang lây lan khắp toàn cầu, khi chính phủ tại nhiều quốc gia đã phải ban hành lệnh cấm giao tiếp xã hội, thì hình thức làm việc tại nhà chính là một phương thức khắc phục và góp phần giải quyết những khó khăn khách quan, đem lại hiệu quả rõ ràng tại từng doanh nghiệp. Có thể nói, làm việc tại nhà là một xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng mở rộng, trong bối cảnh hiện các điều kiện về công nghệ đã hoàn toàn đáp ứng nhu cầu làm việc "xuyên không gian".

<< Hình thức làm việc tại nhà đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng (ảnh minh họa) 


Làm việc tại nhà là xu hướng tất yếu

Cho nhân viên làm việc tại nhà thay vì đến công ty không phải là điều quá mới mẻ. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty áp dụng phương thức làm việc này vì những lợi ích do nó đem lại. Cho cả NSDLĐ lẫn NLĐ.

Phía NSDLĐ tiết kiệm được mặt bằng, điện năng, ...vv. Còn NLĐ thì có thêm thời gian nghỉ ngơi, lo việc nhà, thay vì mỗi ngày phải mất nhiều giờ cho việc đi lại, kẹt xe.

Về mặt pháp luật, hình thức NLĐ có HĐLĐ với NSDLĐ và làm việc theo hình thức làm việc tại nhà được pháp luật cho phép và quy định ngay trong Bộ luật lao động.

Cụ thể tại Điều 167 BLLĐ 2019 quy định "Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm tại nhà". Còn tại Điều 185 BLLĐ 2012 thì quy định "Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm thường xuyên tại nhà".

Như vậy, việc các doanh nghiệp ban hành Quy chế làm việc tại nhà, áp dụng chế độ làm việc tại nhà là hoàn toàn hợp pháp và khả thi, tùy theo điều kiện và thực tế hoạt động của mình.

Xây dựng quy chế làm việc tại nhà

Để triển khai thực hiện phương thức cho nhân viên làm việc tại nhà, doanh nghiệp cần xây dựng Quy chế/chính sách làm việc tại nhà. Như vậy sẽ rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật.

Chính sách về làm việc tại nhà của doanh nghiệp cần thể hiện những nội dung và lưu ý những vấn đề sau đây:

- Xác định rõ hình thức làm việc tại nhà là sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ, chứ không phải là một bên ép bên kia phải ... làm việc tại nhà. Điều này được hiểu là cần quy định NLĐ được quyền chọn giữa hình thức làm việc tại nhà và hình thức làm việc tại công ty. Trong Quy chế nên quy định nếu NLĐ nào muốn làm việc tại nhà thì phải "đăng ký".

- Không phải bộ phận nào, vị trí nào trong một doanh nghiệp cũng có thể làm việc tại nhà. Thông thường thì các bộ phận hành chính, tài chính, kế toán ... (nói chung là không tiếp xúc với khách hàng) có thể làm việc tại nhà. Trong khi đó, những bộ phận như: công nhân sản xuất tại nhà máy theo ca, hay nhân viên giao hàng, ... rõ ràng không thể làm việc tại nhà.

- Làm việc tại nhà không có nghĩa là NLĐ ở nhà suốt tuần, suốt tháng không đến công ty. Mà có thể là làm việc tại nhà 3 ngày/tuần chẳng hạn; hoặc luân phiên nhau; mỗi đầu tuần vào công ty để họp, trao đổi công việc.

- Người làm việc tại nhà phải có đủ điều kiện về thiết bị, công nghệ. Chẳng hạn như máy vi tính, đường truyền intetnet... Phía NSDLĐ có thể trang bị, hỗ trợ hoặc cho NLĐ mượn laptop chẳng hạn.

- Phía NSDLĐ phải có những quy định ràng buộc về trách nhiệm, hiệu quả đối với công việc đối với NLĐ làm việc tại nhà. Nếu NLĐ nào làm việc tại nhà không hiệu quả, không đúng quy định về giờ làm việc, gây ách tắc công việc liên quan đến người khác, bộ phận khác ... thì sẽ bị "cắt", không cho được làm việc tại nhà nữa.

- Phải có quy định về hình thức liên lạc, gửi dữ liệu, bảo mật dữ liệu ... khi NLĐ làm việc tại nhà.

- Trước khi áp dụng chính thức và đại trà toàn công ty, doanh nghiệp nên áp dụng thử nghiệm tại một vài phòng ban, trong thời gian khoảng 1-3 tháng để rút kinh nghiệm, điều chỉnh và hoàn thiện quy chế làm việc tại nhà.

- Bất luận thế nào, thì việc NLĐ làm việc tại nhà vẫn phải bảo đảm tiền lương theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng; các quyền lợi của NLĐ phải được NSDLĐ bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Chứ không phải là cắt giảm bớt vì lý do ... làm việc tại nhà.

- Quá trình xây dựng Quy chế làm việc tại nhà nên lấy ý kiến đóng góp của NLĐ, Công đoàn cơ sở.

Người lao động làm việc tại nhà cần lưu ý những gì?

- Bảo đảm tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, kết nối mọi người trong công ty.

- Nên mặc trang phục nghiêm túc, đàng hoàng khi làm việc tại nhà.

- Sắp xếp không gian riêng, yên tĩnh tại nơi làm việc. Thậm chí có thể ra quán cà phê gần nhà để làm việc.

- Có ý thức tự lên kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi phù hợp và cố gắng thực hiện đúng. Không nhất thiết lúc nào cũng "ngồi thiền" làm việc như ở công ty. Nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu quả, tiến độ công việc.

.....

* Quy định tại BLLĐ 2019:

Điều 167. Người lao động nhận công việc về làm tại nhà

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm tại nhà.

* Quy định tại BLLĐ 2012:

Điều 185. Người lao động nhận công việc về làm tại nhà

1. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm thường xuyên tại nhà.

2. Người lao động làm việc tại nhà theo hình thức gia công không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật này
.

....

Bài liên quan:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét