Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Hỏi về thời giờ nghỉ ngơi trong giờ làm khi mang thai

Hỏi: Chào quý luật sư, tôi hiện là nhân viên kinh doanh của một công ty sản xuất nội thất. Tôi cũng đang trong tháng thứ 7 của thai kỳ. Cho phép tôi hỏi là tính chất công việc là nhân viên văn phòng như vậy có được giảm 1 giờ làm việc theo điều 155 của Bộ luật lao động (2012) hay không? Vì ngh nói điều 155 chỉ nói đến lao động nữ làm công việc nặng nhọc thôi. Xin chân thành cám ơn (Le H.)

Lao động nữ khi có thai được hưởng nhiều chế độ (ảnh minh họa)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Lao động nữ, với thiên chức làm mẹ, được hưởng một số quyền lợi, chế độ riêng biệt và được quy định trong nhiều văn bản pháp luật/luật.

Riêng việc được giảm giờ làm 1 giờ trong thời gian mang thái, đúng như bạn nêu, tại Khoản 2 Điều 155 BLLĐ (2012) quy định: "Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương".

Tức là việc được giảm 1 giờ làm chỉ dành cho đối tượng lao động nữ làm những công việc nặng nhọc. (Ghi chú: Thế nào là những công việc "nặng nhọc" phải theo Danh mục do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định). Trong khi đó, công việc của bạn (nhân viên kinh doanh) không được xếp vào danh mục công việc nặng nhọc. Như vậy, bạn không được giảm giờ làm mỗi ngày khi đang mang thai.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là năm 2015 vừa qua, Chính phủ có ban hành Nghị định 85/2015/ND0-CP quy định về chăm sóc sức khoẻ đối với lao động nữ. Trong đó quy định (vẫn được hưởng đủ lương):

- Trong thời gian hành kinh, lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày. Tối thiểu 3 ngày/tháng.  

-  Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút để cho con bú, vắt trữ sữa, nghỉ ngơi.

Bạn có thể vận dụng quy định này để có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ. 

Ngoài ra, tôi cũng muốn lưu ý thêm là ngoài những điều nói trên, trong thời gian mang thai lao động nữ được hưởng chế độ khám thai. Chúc bạn mọi việc tốt đẹp. 

.........

Bài liên quan:

Quy định tại BLLĐ (2012):

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét