Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Hỏi về việc chấm dứt HĐLĐ khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu

Hỏi: Kính gửi Quý Luật sư, tôi có đọc bài viết Luật sư tư vấn “Công ty không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà phải chờ” http://ecolaw1.blogspot.com/2013/08/cong-ty-khong-co-quyen-on-phuong-cham.html , (Ghi chú: Xem "bài tham khảo bên dưới) tôi có một vài thắc mắc sau mong LS giải đáp:

1. Như Luật sư trao đổi thì quy định tại Khoản 4, Điều 36 BLLĐ 2012 không phải là vấn đề gì nghiêm trọng. Nếu trong quá trình làm việc sau tuổi nghỉ hưu, công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các tình huống như: “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc” hay sức khỏe yếu. Nhưng giả sử nếu NLĐ đó sức khỏe bình thường, năng lực bình thường nhưng không đến mức “không hoàn thành công việc”. Lúc đó, Công ty muốn cho nghỉ để tuyển người trẻ mới vào thì cũng là yêu cầu hợp lý thì lại ko thể chấm dứt theo các lý do trên. Lúc này nên xử lý như thế nào nếu NLĐ không chủ động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng?


(ảnh minh hoạ)


2. Nếu có 1 NLĐ ký hợp đồng không xác định thời hạn, và Công ty tôi muốn cho anh ta ký trước 1 cam kết/thỏa thuận rằng hợp đồng sẽ chấm dứt khi anh ta đến tuổi nghỉ hưu (vd còn 10 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu chẳng hạn) thì có được ko? Thỏa thuận giữa 2 bên có được coi là chấm dứt hợp đồng theo Khoản 3 Điều 36 ko? Hay có bị coi là mâu thuẫn với thời hạn của hợp đồng (không xác định thời hạn), trong khi lại đồng ý sẽ nghỉ việc khi đến tuổi nghỉ hưu?
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư! (Ph. Nh.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu hỏi và phần trả lời của chúng tôi nêu trong bài viết mà bạn dẫn là vào thời điểm tháng 8/2013. Lúc này BLLĐ 2012 cũng vừa có hiệu lực chưa lâu và đang còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Trong phần trả lời, chúng tôi cũng có nêu rõ là "Chính phủ sẽ có Nghị định hướng dẫn và giải thích rõ hơn".

Nay, tháng 8/2017, liên quan đến vấn đề bạn hỏi, đã có thêm một số văn bản hướng dẫn. Cụ thể là:

- Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

- Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Theo đó, tôi tóm lược như sau:

1. Khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu, thì HĐLĐ sẽ chấm dứt - theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 BLLĐ (2012) và thực hiện theo hướng dẫn tại NĐ 05/2015/NĐ-CP và Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH. Hay nói khác đi, lúc này HĐLĐ sẽ chấm dứt theo luật định, không phụ thuộc vào việc muốn hay không muốn của bên nào.

2. Sau đó, nếu NLĐ có nguyện vọng tiếp tục làm việc, NSDLĐ có nhu cầu tiếp tục sử dụng lao động, thì hai bên sẽ chuyển sang giao kết HĐLĐ mới (có thể "gia hạn thời hạn HĐLĐ" hoặc ký HĐLĐ mới). Lúc này, NLĐ sẽ trở thành đối tượng NLĐ cao tuổi - có các chế độ, quy định riêng.

3. Điều đặc biệt quan trọng, là trước khi giao kết HĐLĐ mới, NLĐ phải đi khám sức khoẻ và có giấy chứng nhận bảo đảm sức khoẻ thì mới ký HĐLĐ. Sau đó mỗi 6 tháng hoặc 1 năm, NLĐ cao tuổi phải khám sức khoẻ, luôn bảo đảm có sức khoẻ tốt trong thời gian hợp đồng. Nếu NLĐ không bảo đảm sức khoẻ thì hai bên phải hoãn, hoặc chấm dứt HĐLĐ.

Với những quy định như trên, về những thắc mắc của bạn, tôi giải thích thêm như sau:

- Công ty không cần (và cũng không có quyền) đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu. Mà HĐLĐ sẽ đương nhiên chấm dứt theo luật định.

- Công ty cũng không cần ký cam kết hay thoả thuận gì với NLĐ về việc HĐLĐ sẽ chấm dứt khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu. Vì đây là điều đương nhiên.

- Khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu và HĐLĐ chấm dứt, NSDLĐ có quyền từ chối, không sử dụng tiếp NLĐ cao tuổi nữa. Tức là không gia hạn hay ký HĐLĐ mới. Vì nguyên tắc của HĐLĐ là phải do sự thoả thuận của cả hai bên. Không bên nào có quyền ép bên nào phải ký HĐLĐ - trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị bạn tham khảo 2 bài viết dưới đây:
.........

Bài tham khảo:

Công ty không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà phải chờ
Hỏi: Kính gửi Quý luật sư, lâu nay khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu (nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi), thì hai bên chấm dứt hợp đồng lao động và công ty giải quyết chế độ cho họ. Nếu người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên thì sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Nếu không đủ 20 năm thì được cơ quan BHXH giải quyết chế độ một lần và có thể được công ty thanh toán trợ cấp thôi việc. Theo đó, có thể hiểu là khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu thì công ty đương nhiên có quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Tức là có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.


Thế nhưng, nay theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) tôi thấy có nhiều điều chưa hiểu lắm hoặc có thể hiểu không đúng. Rất mong được các luật sư giải thích giúp. Cụ thể là theo quy định tại Điều 38 BLLĐ, quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Người sử dụng lao động không thấy có quy định về trường hợp người lao động đến tuổi về hưu. (Có nghĩa là khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu công ty khôg có quyền chấm dứt hợp đồng lao động). 

Trong khi đó, tại khoản 4 điều 36 BLLĐ về “Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động” lại nêu: “Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này”. Mà tại Điều 187 BLLĐ thì quy định đối với nam, cứ đến đủ 60 tuổi và đối với nữ, cứ đến đủ 55 tuổi là đã đủ điều kiện được nghỉ hưu. Nhưng để được hưởng lương hưu thì phải đóng bảo hiểm tối thiểu 20 năm (theo Luật BHXH). Như vậy, xin cho tôi được hỏi:

- Phải chăng là khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu công ty không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động?

- Và dù đã đến tuổi hưu, nhưng chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội 20 năm, thì công ty vẫn phải duy trì hợp đồng lao động với người lao động cho đến khi nào họ đóng đủ 20 năm bảo hiểm? Và nếu như vậy có hợp lý không? Giả sử một người lao động nam 60 tuổi (đến tuổi hưu) nhưng mới tham gia đóng bảo hiểm 5 năm, như vậy công ty phải duy trì hợp đồng với người này đến năm họ 75 tuổi (15 năm đóng bảo hiểm nữa)? 

Thưa luật sư không biết tôi hiểu như vậy có đúng không? Vì tôi là người phụ trách nhân sự của công ty và cảm thấy luật quy định như vậy có điều gì đó vô lý, không hợp lý. Vì người lao động đã lớn tuổi thì làm sao có thể làm việc tốt được. Rất mong được quý luật sư giải đáp giúp. Tôi thật sự rất cần và xin chân thành cám ơn (Trung Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Việc người lao động đến tuổi nghỉ hưu khi đang có hợp đồng lao động giải quyết như thế nào - là một vấn đề có điểm khác biệt giữa luật cũ và luật mới (Bộ luật lao động 2012). 

Theo luật cũ (tại điều 36), không có quy định nào nói rằng hợp đồng lao động sẽ chấm dứt khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật thì hướng dẫn rằng khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu thì hai bên chấm dứt hợp đồng, giải quyết chế độ theo quy định chung. Tức là hoặc sẽ được lĩnh lương hưu hàng tháng, hoặc sẽ giải quyết chế độ một lần – đúng như anh đã nêu. Lâu nay nhiều công ty vẫn làm như vậy và xem như là điều hiển nhiên, không có tranh cãi gì. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ 2012), thì có 2 vấn đề “mới” và luật đã quy định cụ thể hơn:

- Một là, người sử dụng lao động không có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu (Điều 38 BLLĐ 2012).

- Hai là (Điều 36 BLLĐ 2012), hợp đồng lao động chỉ (đương nhiên) chấm dứt đối với người lao động đến tuổi nghỉ hưu khi họ đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. 

Hay nói khác đi, theo luật mới thì nếu người lao động chưa đóng đủ BHXH 20 năm, thì hợp đồng lao động vẫn tiếp tục còn hiệu lực cho đến khi họ có đủ thời gian đóng BH 20 năm - đối với hợp đồng không xác định thời hạn; hoặc đến khi kết thúc thời hạn hợp đồng - đối với hợp đồng xác định thời hạn – nhưng chưa hết hạn.

Với quy định mới như vậy, nói tóm lại là doanh nghiệp (người sử dụng lao động) sẽ không còn quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với người đến tuổi nghỉ hưu một cách đương nhiên như trước đây nữa. Mà phải thực hiện theo luật mới như nói ở trên. Vì đã là luật thì mình phải tôn trọng và thực hiện.

Vấn đề mà anh cảm thấy băn khoăn cũng là mối quan tâm của khá nhiều người. Đúng là nhiều doanh nghiệp đã cùng chung quan điểm lo ngại là quy định mới này có vẻ “ép” hoặc có phần bất lợi cho doanh nghiệp. Vì dẫn đến tình huống doanh nghiệp sẽ phải duy trì hợp đồng lao động với những người lớn tuổi (quá tuổi nghỉ hưu), trong khi sức lao động sẽ bị giảm sút theo tuổi tác.

Về mặt pháp luật, theo tôi nghĩ, có lẽ trong thời gian tới Chính Phủ sẽ có Nghị định hướng dẫn hoặc giải thích rõ hơn về vấn đề này. 

Nhưng theo quan điểm của tôi, thì quy định mới như trên thực ra cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng gì đối với doanh nghiệp. Vì cho dù đã đến tuổi nghỉ hưu, mà hai bên vẫn phải duy trì hợp đồng lao động (theo luật mới), thì phải hiểu là quan hệ giữa hai bên (người sử dụng lao động và người lao động) là mối quan hệ “hợp đồng lao động”, chứ không phải là mối quan hệ về chế độ đóng BHXH. 

Do vậy, nếu lúc nào đó trong quá trình làm việc ( sau tuổi nghỉ hưu) mà người lao động có biểu hiện yếu kém về sức khỏe, không hoàn thành công việc được giao … thì hoặc là họ sẽ tự chủ động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc là công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các tình huống như: “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc”. Ngược lại, nếu người lao động vẫn làm việc hiệu quả, thì việc họ lớn tuổi cũng đâu có ảnh hưởng gì, thậm chí còn có những lợi thế khác như: kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ … - tốt cho doanh nghiệp. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, ngân hàng … vẫn ký hợp đồng lao động với người đã qua tuổi nghỉ hưu.

Mắt khác, có lẽ chúng ta ( hay nói chính xác hơn là doanh nghiệp) cũng cần phải chia sẻ trách nhiệm chung về mặt xã hội. Vì quy định theo luật mới sẽ dẫn đến kết quả là mọi người lao động đều có khả năng nhận được lương hưu hàng tháng, góp phần ổn định và an tâm cuộc sống khi về già. Đây là điều thực sự cần thiết và tốt đẹp. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ đóng bảo hiểm cho người lao động, thì theo thời gian, số lượng những người lao động đến tuổi nghỉ hưu chưa đóng đủ bảo hiểm 20 năm chắc chắn sẽ giảm xuống rất nhiều. Không đến nỗi là “gánh nặng” cho doanh nghiệp. www.ecolaw.vn

--------------------

Quy định tại Bộ luật lao động:

Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động 

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này. 
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này. 
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

........



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét